Tôi thấy hiện nay có những trường hợp nhặt được của rơi sau đó trả lại cho chủ sở hữu rất đáng hoan nghênh. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số trường hợp chiếm giữ làm của riêng. Xin hỏi hành vi này bị xử lý như thế nào?
Tôi thấy hiện nay có những trường hợp nhặt được của rơi sau đó trả lại cho chủ sở hữu rất đáng hoan nghênh. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số trường hợp chiếm giữ làm của riêng. Xin hỏi hành vi này bị xử lý như thế nào?
Trần Minh Tuyển
(Trà Ôn)
Trả lời:
Theo Điều 230 Bộ luật Dân sự, người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó. Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất.
Đối với hành vi nhặt tài sản của người khác mà cố tình chiếm giữ, không trả lại là vi phạm quy định. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi chiếm giữ tài sản của người khác. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, căn cứ Điều 176 Bộ luật Hình sự, người nhặt tài sản của người khác mà cố tình không trả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”. Theo đó, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1-5 năm.
TP. PHÒNG BẠN ĐỌC