Các hộ dân có quyền khởi kiện yêu cầu mở lối đi qua bất động sản liền kề

Cập nhật, 13:28, Thứ Sáu, 19/05/2023 (GMT+7)
Các hộ dân đã cất nhà, sinh sống phía bên trong phải đi tạm qua phần đất của người khác mới có thể ra đường công cộng.
Các hộ dân đã cất nhà, sinh sống phía bên trong phải đi tạm qua phần đất của người khác mới có thể ra đường công cộng.

(VLO) Trong đơn gửi Báo Vĩnh Long, ông Dương Minh Toàn (ngụ ấp Long Quới, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) trình bày: Năm 2020, tôi có mua một thửa đất tại ấp Long Quới. Lúc đó, người đại diện đứng ra thực hiện hợp đồng mua bán đất với tôi là ông C.V.T.. Thời điểm này, khu đất có lối đi chung ra đường công cộng là con đường đan rộng khoảng 4m.

Sau đó, tôi có làm đơn xin xác nhận tình trạng đất và được UBND xã Thanh Đức xác nhận vào ngày 12/10/2020.

Đến lúc tôi cất nhà, UBND xã Thanh Đức thông báo lối đi chung vào khu đất là do ông T. xây dựng trái phép trên con mương thoát nước.

Sau đó, tôi có xin ý kiến của chính quyền địa phương giữ lại lối đi này và vào đây xây dựng nhà, sinh sống.

Nhưng đến năm 2022, lối đi này bị tháo dỡ để khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Lối đi không còn đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của gia đình tôi và 2 hộ bà Lê Thị Hồng Thanh, bà Lê Thị Thanh Uyên.

Ngoài ra, còn nhiều hộ khác đã mua đất nhưng chưa thể xây nhà do không có lối đi ra đường công cộng.

Hiện chúng tôi phải đi nhờ qua phần đất của người khác nên về lâu dài lối đi tạm thời này cũng không thể đảm bảo.

Thông tin với phóng viên về vụ việc trên, lãnh đạo UBND xã Thanh Đức cho biết, lối đi cũ trước đây là con kinh công cộng nên theo quy định phải trả về hiện trạng ban đầu để phục vụ việc tiêu thoát nước.

Nhưng địa phương cũng đã có hướng dẫn các hộ dân thỏa thuận với chủ sở hữu các phần đất liền kề mở một lối đi khác phù hợp.

Trường hợp thỏa thuận không thành, các hộ dân có quyền khởi kiện ra tòa yêu cầu mở lối đi qua bất động sản (BĐS) liền kề theo quy định của pháp luật để được giải quyết một lối đi lâu dài, thuận tiện về sau.

Liên quan đến quyền được mở lối đi qua BĐS liền kề, tại khoản 1, Điều 254 Bộ luật Dân sự quy định điều kiện để được mở lối đi qua BĐS liền kề trong các trường hợp: BĐS bị vây bọc bởi một hoặc nhiều BĐS của các chủ sở hữu khác; BĐS vì bị vây bọc mà không có hoặc không có đủ lối đi ra đường công cộng.

Việc mở lối đi qua BĐS liền kề không được tùy tiện mà phải thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của BĐS bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho BĐS có mở lối đi.

Theo đó, chủ sở hữu BĐS hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù giá trị đất cho chủ sở hữu BĐS cho mở lối đi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

TP. PHÒNG BẠN ĐỌC