Chiếm giữ tài sản người khác có thể bị xử lý hình sự

06:10, 05/10/2022

Xin hỏi trường hợp nhặt được tài sản của người khác đánh rơi mà không trả lại cho chủ sở hữu thì có vi phạm pháp luật không?

(VLO) Xin hỏi trường hợp nhặt được tài sản của người khác đánh rơi mà không trả lại cho chủ sở hữu thì có vi phạm pháp luật không?

Huỳnh Nhật Nam (Long Hồ)

Trả lời: Theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ - CP về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:

- Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác.

Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm trên. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.

Nghiêm trọng hơn, việc chiếm giữ tài sản người khác có thể kết thành tội danh hình sự. Cụ thể, tại Điều 176 Bộ luật Hình sự quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

- Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

- Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

TP. PHÒNG BẠN ĐỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh