Giao dịch giả tạo nhằm tẩu tán tài sản sẽ bị vô hiệu

06:06, 29/06/2022

Mẹ tôi là người được thi hành án (THA) theo quyết định của tòa nhưng người phải THA cố tình không thực hiện và còn có hành vi chuyển nhượng tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Giờ mẹ tôi phải làm gì để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của bên phải THA và pháp luật xử lý hành vi này như thế nào?

(VLO) Mẹ tôi là người được thi hành án (THA) theo quyết định của tòa nhưng người phải THA cố tình không thực hiện và còn có hành vi chuyển nhượng tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Giờ mẹ tôi phải làm gì để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của bên phải THA và pháp luật xử lý hành vi này như thế nào?

Nguyễn Thị Huệ (Vũng Liêm)

Tẩu tán tài sản là hành vi xác lập các giao dịch giả tạo như mua bán, tặng cho, chuyển nhượng,… nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba.

Theo Điều 124 Bộ luật Dân sự, trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó sẽ bị vô hiệu.

Do đó, nếu có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh người phải THA có hành vi tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quyết định của tòa thì mẹ bạn có thể khởi kiện yêu cầu tòa tuyên giao dịch chuyển nhượng đó vô hiệu do giả tạo.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cung cấp chứng cứ chứng minh người phải THA có hành vi tẩu tán tài sản cho cơ quan THA đang thụ lý vụ việc.

Nếu đủ căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản THA nhằm trốn tránh nghĩa vụ THA thì chấp hành viên của cơ quan THA sẽ yêu cầu tòa tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó theo quy định tại Điều 75 Luật THA Dân sự.

TT. PHÒNG BẠN ĐỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh