Sử dụng giấy đi đường không đúng bị phạt đến 10 triệu đồng

06:08, 24/08/2021

Vừa qua, tôi thấy ở một số địa phương có người không đi làm nhưng nhờ người quen cấp hoặc mua giấy đi đường để qua chốt kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vậy những trường hợp này có vi phạm pháp luật và có bị xử lý không?

(VLO) Vừa qua, tôi thấy ở một số địa phương có người không đi làm nhưng nhờ người quen cấp hoặc mua giấy đi đường để qua chốt kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vậy những trường hợp này có vi phạm pháp luật và có bị xử lý không?

Nguyễn Minh Châu (Long Hồ)

Trả lời: Theo quy định về phòng chống dịch COVID-19 thì giấy đi đường đúng quy định phải được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội hoặc UBND xã- phường-thị trấn cấp và xác nhận.

Con dấu, chữ ký tại giấy đi đường là con dấu thật, chữ ký thật của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó. Giấy đi đường chỉ được cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức đó và sử dụng đúng mục đích là di chuyển từ nhà đến nơi làm việc hoặc nhằm thực hiện công việc chuyên môn được giao.

Do đó, việc cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp giấy đi đường không đúng đối tượng, sai mục đích có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức.

Trường hợp sử dụng con dấu hoặc giấy đi đường giả với mục đích gian dối hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác có thể bị xử về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.

PHÒNG BẠN ĐỌC

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh