Hành vi mua bán trái phép trang phục ngành công an bị xử lý ra sao?

06:11, 10/11/2020

Hiện nay, có tình trạng mua bán trang phục ngành công an trên các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc này để giả danh công an nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Như vậy, hành vi này có vi phạm pháp luật hay không và bị xử lý như thế nào?

Hiện nay, có tình trạng mua bán trang phục ngành công an trên các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc này để giả danh công an nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Như vậy, hành vi này có vi phạm pháp luật hay không và bị xử lý như thế nào?

Trần Chí Cường (Bình Tân)

Trả lời: Khoản 5 Điều 1 Nghị định 29/2016/NĐ-CP ngày 21/4/2016 của Chính phủ quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân. 

Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Cụ thể, những tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng này thuộc trường hợp kinh doanh hàng cấm, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (đã sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ).

Những tổ chức, cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân có thể bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền từ 500.000- 200.000.000đ.

Ngoài ra, người có hành vi vận chuyển hàng cấm, chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi tàng trữ hàng cấm, người có hành vi giao nhận hàng cấm cũng bị xử phạt hành chính từ 500.000- 100.000.000đ.

Trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190 về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, Điều 191 về tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” và Điều 192 về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” của Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

Đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân để giả danh công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 174 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc chung thân.

PHÒNG BẠN ĐỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh