Cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

04:11, 19/11/2019

Khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện cơ sở bán thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người thì trường hợp này sẽ bị xử lý như thế nào?

 

Khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện cơ sở bán thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người thì trường hợp này sẽ bị xử lý như thế nào?

Võ Thanh Hưng

(Mang Thít)

Trả lời:

Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về ATTP, mức phạt tiền tối đa với cá nhân vi phạm về ATTP là 100 triệu đồng, tổ chức là 200 triệu đồng.

Cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP từ 1- 6 tháng, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 1- 4 tháng; tịch thu tang vật, buộc tiêu hủy các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh…

Riêng với hành vi sử dụng, chế biến, cung cấp thực phẩm bẩn thì có nhiều mức phạt, cụ thể như:

Phạt tiền 20- 40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà chỉ tiêu ATTP không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng…

Phạt từ 40- 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10 triệu đồng.

Phạt tiền 80- 100 triệu đồng đối với người sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy để chế biến thực phẩm… mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trên đây là mức phạt cho cá nhân, nếu tổ chức vi phạm hành vi này thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi.

Cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 1- 3 tháng; tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20- 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm.

Nếu hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm không đảm bảo quy định về ATTP gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về vệ sinh ATTP. Mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20- 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.

PHÒNG BẠN ĐỌC

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh