Người thi hành công vụ gây oan sai sẽ phải bồi thường bằng tiền lương của mình

03:09, 27/09/2018

Ngày 1/7/2018 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có hiệu lực thi hành, tôi có một thắc mắc là theo luật định thì trách nhiệm bồi thường là tiền ngân sách hay của cá nhân người thi hành công vụ (THCV) gây oan sai?

Ngày 1/7/2018 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có hiệu lực thi hành, tôi có một thắc mắc là theo luật định thì trách nhiệm bồi thường là tiền ngân sách hay của cá nhân người thi hành công vụ (THCV) gây oan sai?

Lê Hồng Ân

(TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định trách nhiệm bồi thường của người THCV

Người THCV có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi hoàn cho người bị thiệt hại.

Trường hợp có nhiều người THCV cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà nhà nước phải bồi thường.

Cụ thể vấn đề này, ngày 15/5/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, nghị định quy định rõ trách nhiệm của người THCV gây oan sai sẽ phải bồi thường bằng tiền lương của mình không phân biệt là do lỗi cố ý hay vô ý đều phải bồi thường, cụ thể Điều 26 Nghị định số 68/2018 quy định:

Lương của người THCV gây thiệt hại để hoàn trả là lương cơ sở nhân với hệ số theo ngạch, bậc theo quy định của pháp luật tại thời điểm có quyết định hoàn trả. Trường hợp tại thời điểm có quyết định hoàn trả, người THCV gây thiệt hại đã nghỉ việc tại cơ quan nhà nước thì việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người THCV gây thiệt hại căn cứ vào lương của người đó tại thời điểm trước khi nghỉ việc.

Mức hoàn trả của người THCV có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được xác định như sau:

Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 100 tháng lương của người THCV gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó; trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ trên 80- 100 tháng lương của người THCV gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả là từ 40 đến dưới 50 tháng lương của người đó nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường; trường hợp số tiền mà Nhà nước đã bồi thường từ 60- 80 tháng lương của người THCV gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là từ 30 đến dưới 40 tháng lương của người đó nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường.

Mức hoàn trả của người THCV có lỗi vô ý gây thiệt hại được xác định như sau: Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 10 tháng lương của người THCV gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 4 tháng lương của người đó; trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ 6 tháng đến 8 tháng lương của người THCV gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 3 tháng lương của người đó; trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 6 tháng lương của người THCV gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.

PHÒNG BẠN ĐỌC

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh