Những cá nhân sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả (mua bằng) để được vào làm việc trong các cơ quan của Nhà nước thì bị xử lý như thế nào và có bị thôi việc khi bị phát hiện không?
Những cá nhân sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả (mua bằng) để được vào làm việc trong các cơ quan của Nhà nước thì bị xử lý như thế nào và có bị thôi việc khi bị phát hiện không?
Ông Văn Tiến
(Trà Ôn)
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì việc sử dụng bằng giả được thực hiện như sau:
Điều 8 Luật Giáo dục thì văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc trình độ đào tạo theo quy định của luật này.
Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp CĐ, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ.
Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp. Như vậy, với tất cả các trường hợp không qua học tập, đào tạo, thi cử mà có chứng chỉ thì chứng chỉ đó được xác định là chứng chỉ giả.
Chế tài để xử lý những vi phạm liên quan đến giáo dục nói chung là từ xử lý hành chính cho đến xử lý hình sự. Đối với trường hợp những người làm ra, mua bán, sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả... thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 đến 5 năm: Có tổ chức, phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 4 đến 7 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng.
Như vậy, việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả” là một điều cấm. Nhưng để xác định người sử dụng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì phải xem xét mục đích đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân hay không. Nếu có thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 267 Bộ luật Hình sự.
Còn việc có bị buộc thôi việc khi bị phát hiện sử dụng bằng giả không trong trường hợp người sử dụng bằng giả là công chức thì theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức về các trường hợp buộc thôi việc.
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau: Bị phạt tù mà không được hưởng án treo; sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; tự ý nghỉ việc, tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong 1 tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 3 lần liên tiếp; vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
PHÒNG BẠN ĐỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin