Xuất phát từ việc người hàng xóm thả nước vào ruộng lúa gây tràn đồng, một số hộ dân trồng dưa hấu bức xúc vì ruộng dưa sắp đến ngày thu hoạch của họ chịu thiệt hại nặng, dẫn đến hàng xóm bất hòa nhau.
Xuất phát từ việc người hàng xóm thả nước vào ruộng lúa gây tràn đồng, một số hộ dân trồng dưa hấu bức xúc vì ruộng dưa sắp đến ngày thu hoạch của họ chịu thiệt hại nặng, dẫn đến hàng xóm bất hòa nhau.
Ông Quang cho biết ruộng dưa của mình bị thiệt hại hơn 50% với nhiều trái bị úng hoặc không phát triển. Ảnh chụp ngày 5/12/2015. |
Sau khi lập gia đình, ông Võ Minh Quang (ngụ ấp Hồi Xuân, xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) được cha mẹ cho hơn 2 công ruộng để trồng dưa hấu. Giáp ranh là ruộng dưa khoảng 2 công rưỡi của ông Trần Quốc Thống (ngụ cùng địa phương).
Các hộ cho biết, một trong những việc khó khăn khi trồng dưa hấu là canh nước- những lúc con nước lên vào ban đêm thì phải thức để canh vì nếu nước tràn vào ruộng, dưa sẽ bị úng hoặc mất khả năng sinh trưởng.
Tuy nhiên, chiều 26/11/2015, ông Lê Văn Châu (ngụ cùng địa phương) thả nước vào ruộng lúa cho đến ngày hôm sau khiến nước tràn đồng và toàn bộ diện tích dưa của 2 hộ trên bị ngập úng. “Khi thấy ông Châu mở nắp quạt cho nước vô đồng, vì sợ nước ngập tràn qua ruộng dưa, người hàng xóm có xin đậy lại nhưng ông ấy không cho và hậu quả thế nào thì mọi người đã thấy”- ông Quang bức xúc.
Về phần ông Lê Văn Châu thừa nhận mình có thả nước vào ruộng lúa, nhưng ông cho biết chỉ thả giúp cho bà Lê Thị Sơn (ngụ cùng địa phương) và bà Sơn cũng thừa nhận điều này, nhưng bà cho biết trước khi thả nước đã thông báo đến các hộ trồng dưa để họ canh nước.
“Trước khi nhờ ông Châu mở nắp quạt, tui có xin các hộ trồng dưa ở đó được thả nước thì họ trả lời chỉ được thả ban ngày, không thả ban đêm. Nhưng thời điểm đó nước vẫn chưa vào đồng, trong khi ruộng lúa của tui phải cần đủ lượng nước, nếu không sẽ bị chuột cắn phá”- bà Sơn cho biết.
Là hộ chịu thiệt hại nặng nhất, ông Trần Quốc Thống cũng yêu cầu bà Sơn bồi thường. “Ruộng dưa của tui còn khoảng 10 ngày nữa thu hoạch thì thiệt hại gần như toàn bộ, các dây dưa bắt đầu bị héo do úng rễ, thương lái tới coi, họ lắc đầu ngao ngán và không dám bỏ cọc vì lo ngại chất lượng trái”.
Các hộ chịu thiệt hại cho rằng việc nước tràn vào ngập ruộng dưa làm trái bị úng hoặc không còn khả năng phát triển nên yêu cầu bà Sơn bồi thường. Theo biên bản hòa giải của xã, bà Sơn thừa nhận hành động của mình nhưng không có khả năng bồi thường thiệt hại cho các hộ vì ruộng lúa của bà cũng bị thất thoát do chuột cắn phá- nguyên nhân do ruộng thiếu nước.
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Sáu- Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành hòa giải và chọn giải pháp chờ các hộ thu hoạch dưa xong, rồi tính mức lợi nhuận trung bình là 8 triệu đồng/công, nếu thu hoạch mỗi công không đủ 8 triệu thì phần thiếu mỗi người sẽ chịu phân nửa (Ví dụ: Thu hoạch dưa được 4 triệu đồng/công thì 4 triệu đồng còn thiếu chia đôi- hộ trồng dưa chịu lỗ 2 triệu, hộ trồng lúa bồi thường 2 triệu) nhưng bà Sơn không đồng ý nên hòa giải không thành. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm phương án hòa giải theo hướng có lợi cho đôi bên”.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc trên do việc canh tác của người dân chưa đồng bộ, cây lúa cần nhiều nước trong khi dưa hấu thì thích nghi thời tiết khô nên việc xử lý nước ở những nơi trồng cùng lúc 2 loại cây này rất khó khăn, dẫn đến chuyện bất hòa giữa người trồng dưa và người trồng lúa.
Trước mắt, các hộ trồng dưa cần chủ động đắp bờ lên cao những nơi giáp ranh với ruộng lúa để ngăn không cho nước tràn vào ruộng dưa, hạn chế thiệt hại.
Qua sự việc, thiết nghĩ chính quyền địa phương nên có giải pháp chuyển dịch cây trồng sao cho đồng bộ để không tái diễn chuyện hàng xóm bất hòa với nhau trong canh tác. Riêng các hộ trồng dưa và trồng lúa nên hài hòa trong việc xử lý nước vào đồng sao cho việc sản xuất đạt hiệu quả nhất.
Bài, ảnh: PHẠM PHONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin