Thừa kế phần đất của gia đình để lại, bà Trần Thái Hồng (ngụ ấp Chợ, xã Mỹ An- Mang Thít) trở thành một trong những bị đơn của vụ kiện tranh chấp ranh đất kéo dài từ năm 2004 đến nay, bắt nguồn cho tranh chấp này đến từ chuyện cái mương bị lấp.
Thừa kế phần đất của gia đình để lại, bà Trần Thái Hồng (ngụ ấp Chợ, xã Mỹ An- Mang Thít) trở thành một trong những bị đơn của vụ kiện tranh chấp ranh đất kéo dài từ năm 2004 đến nay, bắt nguồn cho tranh chấp này đến từ chuyện cái mương bị lấp.
Hàng rào (theo bà Hồng là ranh giới giữa các thửa đất và có từ trước khi xảy ra tranh chấp) sau khi bị san lấp còn trơ lại trụ bê tông. |
Trong đơn gửi Báo Vĩnh Long, bà Trần Thái Hồng cho biết: Năm 1997, bà Trương Phương Thảo được thừa kế phần đất của gia đình với diện tích 14.430m2 (được cấp giấy chứng nhận sử dụng vào năm 2011).
Trong quá trình sử dụng, bà Thảo tự ý san lấp cái mương (có chiều ngang 6m, chiều dài từ Đường tỉnh 902 đến bờ sông Cổ Chiên) liền kề với các hộ giáp ranh.
Từ đây, xảy ra tranh chấp, bà Thảo làm đơn khởi kiện các hộ giáp ranh (bao gồm hộ ông Trần Kiệt- cha của bà Hồng) vì cho rằng họ đã xây dựng công trình, trồng cây lấn qua phần đất của bà. Vụ kiện kéo dài khiến việc thực hiện dự án đo đạc nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai (VLAP) giữa đôi bên bị trì hoãn đến nay.
Nói về cái mương bị lấp, bà Hồng cho biết: Trước đây, đôi bên thỏa thuận ranh giới ở giữa mương ranh, nhưng từ khi bà Thảo san lấp mặt bằng thì các cột mốc xác định ranh giới đã có từ trước giữa các thửa đất đã bị vùi lấp hoặc không còn như hiện trạng ban đầu.
“Phần giáp ranh với thửa đất của bà Thảo, trước đó gia đình tôi đã làm hàng rào bằng kẽm gai, trụ bê tông cốt thép nên việc bà ấy cho rằng chúng tôi lấn ranh là không hợp lý. Chúng tôi chẳng làm gì để bị thưa kiện trong khoảng thời gian dài như vậy”- bà Hồng bức xúc.
Bà Hồng còn cho biết phần đất ven sông Cổ Chiên của bà Thảo bị sạt lở nhưng sau khi đo đạc lại, diện tích đất của bà Thảo chẳng những không thiếu mà còn thừa so với diện tích được công nhận trước đó. Tại bản án phúc thẩm, HĐXX cũng nhận định: Tổng diện tích đất của bà Thảo được đo đạc theo sự chỉ ranh của bà là 14.972,1m2, trong khi diện tích được Nhà nước thừa nhận là 14.430m2. Như vậy, diện tích tăng thêm 542,1m2, phần tăng này không thuộc quyền sử dụng của bà Thảo mà thuộc các thửa đất liền kề.
Trong khi đó, tại bản án sơ thẩm, HĐXX xác định: Diện tích thực tế 4 thửa đất của bà Thảo là 14.972,1m2, trong đó có 27,2m2 lấn sông Cổ Chiên. Các đương sự cũng tự thỏa thuận yêu cầu tòa án giải quyết phần đất tranh chấp trước, vật kiến trúc sẽ giải quyết sau.
HĐXX cho rằng, yêu cầu của bà Thảo là không có căn cứ chấp nhận vì lời trình bày của bà không được các bị đơn thừa nhận; lời khai của người làm chứng và các chứng cứ khác chưa đủ cơ sở xác minh; quá trình đo đạc, bà Thảo cũng không xác định được mốc giới.
Xét thấy, các thửa đất trên nằm liền kề nhau, các đương sự không xác định được mốc giới mới xảy ra tranh chấp. Do đó, HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của bà Thảo, buộc các bị đơn trả lại cho bà Thảo 136,9m2 đất (trong đó phần của bà Hồng là 51,1m2).
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, các bị đơn đã kiện lên cấp phúc thẩm. HĐXX phúc thẩm nhận định: Nguyên đơn và các bị đơn đều có yêu cầu xác định lại tài sản trên phần đất có tranh chấp và cũng không đồng ý với kết quả đo đạc của tòa sơ thẩm nên để đảm bảo quyền lợi của đương sự, HĐXX đã thống nhất hủy bản án sơ thẩm, chuyển tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Vụ án lắng xuống một thời gian, đến đầu năm 2014 thì tiếp tục xảy ra tranh chấp. Các bị đơn không đồng ý với kết luận của tòa án và phương án hòa giải của xã nên việc tiến hành dự án VLAP không thể thực hiện.
Sau đó, bà Thảo ra nước ngoài định cư, đến đầu năm 2015, bà về nước tiếp tục khởi kiện đến TAND tỉnh Vĩnh Long để đòi lại tài sản là phần đất đang tranh chấp. Tuy nhiên, sau nhiều lần tòa tổ chức hòa giải vẫn không thành, dự án VLAP vì thế cũng bị trì hoãn do đôi bên không đồng ý với phương án đo đạc và mốc ranh giới.
Về phía chính quyền địa phương, ông Huỳnh Ngọc Thắng- Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết: “Để tránh hàng xóm bất hòa với nhau, chính quyền địa phương đã tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng vẫn không thành. Vụ việc đang được tòa án tỉnh thụ lý giải quyết”.
Qua vụ việc cho thấy, một phần cũng do cái mương bị lấp, kéo theo sự nhùng nhằng trong việc xác định ranh đất thật giả là nguyên nhân chính khiến tranh chấp kéo dài đến nay. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tìm biện pháp giải quyết sao cho phù hợp để dứt điểm vụ tranh chấp này. Bên cạnh đó, người dân cần tìm hiểu pháp luật về đất đai và chia sẻ với nhau để hiểu rõ và thực hiện đúng, hạn chế những vụ việc tranh chấp xảy ra làm mất tình làng nghĩa xóm.
Bài, ảnh: PHẠM TẤN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin