Muốn trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc?

12:09, 20/09/2013

Chị tôi nhập quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) năm 2007. Nay chị muốn xin trở lại quốc tịch Việt Nam, vì mẹ tôi hiện bị bệnh tai biến đi lại khó khăn. Xin hỏi, chị tôi có được xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc?

Ông Võ Thanh Tuấn, ngụ số 6/75A đường Nguyễn Văn Lâu, Phường 8- TP Vĩnh Long hỏi:

Chị tôi nhập quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) năm 2007. Nay chị muốn xin trở lại quốc tịch Việt Nam, vì mẹ tôi hiện bị bệnh tai biến đi lại khó khăn. Xin hỏi, chị tôi có được xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc?

Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam. Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài (chị tôi về Việt Nam vào tháng 9/2011 đến nay, chị tôi vẫn tiếp tục gia hạn 3 tháng). Vậy, phiếu lý lịch tư pháp này chị tôi phải xin ở đâu?

Con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ thì phải nộp bản sao giấy khai sinh của người con hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con, chúng tôi phải nộp bản dịch khai sinh sang tiếng Việt Nam của phòng tư pháp có hợp pháp hóa lãnh sự hay không hoặc có cần nộp bản dịch passport sang tiếng Việt Nam của phòng tư pháp có hợp pháp hóa lãnh sự được không?

Sau khi nhận được thư ông, chúng tôi đã liên hệ với Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long và được ông Nguyễn Hùng Dũng- Phó Giám đốc sở trả lời như sau:

Theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam, người được trở lại quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam...

Theo câu hỏi của ông, có thể hiểu chị ông đã được thôi quốc tịch Việt Nam. Do đó, về nguyên tắc, khi làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam, chị của ông phải xin thôi quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan), có nghĩa là chỉ được lựa chọn một trong hai quốc tịch. Tuy nhiên, nếu chị có mẹ đẻ hoặc cha đẻ là công dân Việt Nam thì có thể được xem xét giữ quốc tịch Trung Quốc nếu thuộc trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam. Luật không quy định cụ thể trường hợp nào công dân được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài mà trên thực tế, việc xem xét cho phép người xin trở lại quốc tịch Việt Nam được giữ quốc tịch nước ngoài được cân nhắc rất cẩn trọng dựa trên lý do, hoàn cảnh cụ thể của từng cá nhân xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Trường hợp muốn cấp lý lịch tư pháp để bổ sung hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam có thể yêu cầu ở đâu thì theo Điểm d khoản 1 Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định một trong các loại giấy tờ có trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam là phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ.

Điểm c khoản 2 Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp quy định một trong các trường hợp mà sở tư pháp thực hiện việc cấp phiếu lý lịch tư pháp đó là người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

Ngoài ra, điểm b khoản 2 Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp quy định nơi nộp tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là sở tư pháp nơi cư trú trong trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.

Theo quy định trên, thì yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện ở hai nơi là Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long và cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài. Ông cũng có thể liên hệ Văn phòng Kinh tế- Văn hóa Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh để biết thêm chi tiết.

Còn trường hợp bản sao giấy khai sinh (dịch sang tiếng Việt Nam) của con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ có cần phải hợp pháp hóa lãnh sự hay không thì theo trình bày của ông, giấy khai sinh của cháu nêu trên là do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

Do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam thì giấy tờ có trong hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam và trong việc giải quyết các việc khác về quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Theo quy định trên, nếu con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam với cha mẹ thì bản sao giấy khai sinh (để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con) của cháu là loại giấy tờ nằm trong thành phần hồ sơ phải nộp và do đó phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Chị của ông có thể mang hồ sơ đến Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh để được hướng dẫn thực hiện.

PHÒNG BẠN ĐỌC

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh