Cá nhân nhận bảo lãnh bị can phải là người có tư cách, phẩm chất tốt

07:12, 17/12/2014

Cháu tôi vì phạm tội hình sự, đã bị khởi tố và bị tạm giam. Nhận thấy, tội của cháu không nặng lắm, gia đình đang gặp khó khăn vì rất đơn chiếc; tôi có ý nghĩ muốn xin bảo lãnh cháu ra ngoài trong thời gian chờ tòa án xét xử vụ án. Tôi có thể thực hiện được ý định này không? Người muốn bảo lãnh bị can phải có điều kiện như thế nào?

Cháu tôi vì phạm tội hình sự, đã bị khởi tố và bị tạm giam. Nhận thấy, tội của cháu không nặng lắm, gia đình đang gặp khó khăn vì rất đơn chiếc; tôi có ý nghĩ muốn xin bảo lãnh cháu ra ngoài trong thời gian chờ tòa án xét xử vụ án.

Tôi có thể thực hiện được ý định này không? Người muốn bảo lãnh bị can phải có điều kiện như thế nào?

Lê Văn Tâm

(Trà Vinh)

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng hình sự: Bảo lãnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lãnh.

Cá nhân có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này thì ít nhất phải có 2 người. Tổ chức có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình.

Khi nhận bảo lãnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lãnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lãnh.

Bên cạnh đó, khoản 4 và 5 điều luật trên còn quy định điều kiện đối với người bảo lãnh như sau: Cá nhân nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lãnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lãnh thì việc bảo lãnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.

Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lãnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Vậy anh hoặc người thân nào của cháu có đủ điều kiện nêu trên thì anh có thể gửi đơn bảo lãnh đến cơ quan điều tra nơi cháu anh đang bị tạm giam để được xem xét.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh