Có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện vẫn bị xem là kết hôn trái pháp luật

03:07, 17/07/2013

Chúng tôi làm việc và quen nhau ở TP Hồ Chí Minh, sau đó quyết định cưới nhau và đăng ký kết hôn tại địa phương nhà gái (ở một quận của TP Hồ Chí Minh). Nhưng, sau đó ít lâu, chúng tôi nhận được thông báo là việc kết hôn của chúng tôi trái pháp luật. Vì sao có đăng ký kết hôn mà lại gọi là trái pháp luật?

Chúng tôi làm việc và quen nhau ở TP Hồ Chí Minh, sau đó quyết định cưới nhau và đăng ký kết hôn tại địa phương nhà gái (ở một quận của TP Hồ Chí Minh). Nhưng, sau đó ít lâu, chúng tôi nhận được thông báo là việc kết hôn của chúng tôi trái pháp luật. Vì sao có đăng ký kết hôn mà lại gọi là trái pháp luật?

L.V.B. (Bình Minh)

Trả lời: Tuy anh chị có đăng ký kết hôn nhưng có lẽ đã vi phạm vào quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình. Điều luật này quy định: Kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định. Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình, đó là:

1. Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên;

2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;

3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của luật này.

Điều 10 nói trên quy định cấm kết hôn trong những trường hợp sau đây:

1. Người đang có vợ hoặc có chồng;

2. Người mất năng lực hành vi dân sự;

3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời;

4. Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

5. Giữa những người cùng giới tính.

Vậy, để biết được thông báo trên đúng hay không đúng, anh chị có thể xem lại trường hợp của mình với các điều quy định trên.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh