Đảm bảo lối thoát hiểm thông thoáng cho nhà ở

15:29, 16/07/2025

Quan sát nhà chung cư hay nhà ở riêng lẻ ở các khu vực đô thị và cả nhà ở nông thôn, không khó để bắt gặp hình ảnh những khoảng không gian nối từ nhà ra cổng; các ban công; cổng nhà; hàng rào… được người dân lợp tôn, lắp đặt lưới sắt hay khung thép. 

Mục đích của việc này là nhằm tận dụng diện tích, tăng không gian sử dụng, đồng thời còn nhằm khép kín không gian nơi ở với bên ngoài nhằm chống trộm, ngăn kẻ gian đột nhập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi có các vụ cháy xảy ra thì chính những biện pháp được cho là nhằm đảm bảo an toàn này lại trở thành hiểm họa, thậm chí gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Bởi khi khói lửa bao trùm, các lối thoát nạn bị bịt kín này vô tình cũng bịt “đường thoát nạn”. Các rào chắn kiểu “chuồng cọp” kiên cố lúc này khiến nạn nhân khó thoát ra ngoài, trong khi người ở bên ngoài muốn vào cứu người, đưa người từ phía trong thoát ra cũng không dễ dàng. Việc cắt sắt, cưa thép… để phá dỡ các “chuồng cọp” đòi hỏi thời gian, dẫn đến mất thời gian vàng để cứu người khi có đám cháy xảy ra.

Điển hình vụ cháy vào ngày 6/7 tại cư xá Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa (TP Hồ Chí Minh) gây hậu quả làm 8 người chết và nhiều tài sản bị hư hỏng. Do không có lối thoát hiểm, thời điểm lực lượng cảnh sát PCCC, cứu nạn cứu hộ khống chế được đám cháy và tiếp cận được bên trong đưa các nạn nhân ra ngoài thì các nạn nhân đã tử vong. Trước đó, không ít vụ việc thương tâm tương tự đã xảy ra, do nơi ở vốn từ khi xây dựng không có lối thoát hiểm hoặc có lối thoát hiểm nhưng đã bị bịt kín trong quá trình khai thác, sử dụng.

Theo đó, khi thiết kế, thi công các công trình nhà ở cần phải đúng quy định về an toàn PCCC. Trong đó, cần nhanh chóng phá bỏ các “chuồng cọp”, thay thế bằng các giải pháp chống trộm hiệu quả khác. Đặc biệt, bên cạnh lối ra vào hàng ngày, mỗi gia đình cần đảm bảo có thêm lối thoát hiểm để đề phòng khi sự cố xảy ra thì có thể thoát ra ngoài dễ dàng.

Tất nhiên, cần luôn quan tâm giữ cho lối thoát hiểm này thông thoáng như không để vật dụng cồng kềnh, trồng cây xanh che chắn lối thoát hiểm; nếu lối thoát hiểm có cửa và ổ khóa thì cần luôn để chìa khóa ở nơi mà cả nhà đều biết, dễ lấy để mở khóa khi cần.

Bên cạnh, người dân không nên tự ý đấu nối nguồn điện không đảm bảo an toàn; khi cần đấu nối sử dụng cần người có kiến thức, am hiểu và đảm bảo đấu nối an toàn. Sử dụng các thiết bị điện, dây dẫn điện rõ nguồn gốc, đảm bảo phù hợp với công suất, tránh trường hợp quá tải gây mất an toàn điện. Thường xuyên kiểm tra các dây dẫn điện cung cấp nguồn điện cho các thiết bị điện đã sử dụng trong thời gian dài có đảm bảo an toàn hay không để có biện pháp thay thế phù hợp. Đồng thời, cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng xử lý, cứu hộ cứu nạn.

Về phía ngành chức năng, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn PCCC; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC. Qua đó, nhằm thay đổi tư duy, nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho chính mình, gia đình và hàng xóm xung quanh.

NAM ANH
 
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh