Tình trạng chó thả rông, không rọ mõm còn xuất hiện ở những nơi công cộng. |
Việc nuôi thú cưng như chó, mèo đáng lý là việc riêng của mỗi hộ gia đình. Nếu việc riêng này không gây ảnh hưởng đến người xung quanh thì không thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Trong đó, việc thả chó phóng uế ở vỉa hè, công viên, quanh nhà hộ khác vừa ảnh hưởng mỹ quan vừa mất vệ sinh môi trường. Chưa kể việc chó thả rông, không rọ mõm còn có nguy cơ gây nguy hiểm cho người xung quanh.
Nhà ở một khu dân cư của TP Vĩnh Long, cô Lan bức xúc vì “không biết chó nhà ai mà ngày nào cũng thả qua vỉa hè trước nhà tôi phóng uế. Không chỉ gây bẩn, mà còn gây kinh sợ cho trẻ con trong nhà và người qua lại trên đường khi thình lình thấy con chó từ đâu tới thở hồng hộc. Nhà gần đó, chị Mai cũng bức xúc vì “Nhà này đuổi thì nó chạy qua nhà khác làm bậy, thật kinh khủng! Đáng lý chủ nuôi thì phải chăm sóc, không thể tùy tiện thả chó đi đâu thì đi, gây phiền hà, bất an như vậy được”. Cũng ở khu phố này, chú Lâm nói thêm vào: “Người nuôi cho chó vệ sinh trong nhà, quét chất thải ra đường đã như khủng bố nhà lân cận. Thả hẳn qua chỗ nhà người ta luôn thì càng quá đáng!”.
Trong khi đó, anh Phương ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) thì lo lắng khi đi một số công viên, quảng trường quanh thành phố, vẫn thấy có người dắt chó theo nhưng không rọ mõm, còn thả chạy tứ tung và phóng uế. Anh Phương cho rằng, văn minh đô thị thể hiện ở cách hành xử của mỗi người. Không thể vì thú vui riêng gây mối bận tâm, phiền toái, bất an cho cộng đồng… Công viên, quảng trường là không gian công cộng, cần đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường và càng không thể tìm ẩn mối nguy hiểm nào đến từ vật nuôi.
Từng cứu chữa nhiều trường hợp thú cưng bị thương, bị bệnh cho chủ nuôi thiếu sự quan tâm, chăm sóc; cũng như chứng kiến những trường hợp thả rông thú cưng ở nơi công cộng gây ảnh hưởng mỹ quan, môi trường dẫn đến “ác cảm không đáng có của nhiều người về thú cưng”, chủ một phòng khám thú y ở TP Vĩnh Long kiến nghị: Ngành chức năng cần tăng cường quản lý việc nuôi thú cưng, quy định những nơi thú cưng không được vào, kiểm soát số lượng, phòng chống bệnh truyền nhiễm... Về phía người nuôi, cần xuất phát từ tình yêu thương và nâng cao trách nhiệm đối với vật nuôi. Theo đó, cần tiêm ngừa đầy đủ cho vật nuôi, đặc biệt là ngừa dại. Khi dắt vật nuôi ra ngoài cần rọ mõm, đặc biệt khi đến các khu vực công cộng thì cần đảm bảo rằng vật nuôi không làm mất vệ sinh, ảnh hưởng mỹ quan, hay những nguy cơ gây nguy hiểm cho người xung quanh.
Tại TP Vĩnh Long, đầu năm 2024, UBND Phường 8 đã ra mắt đội bắt chó, mèo thả rông, nhằm khắc phục tình trạng chó, mèo thả rông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan, ATGT và có nguy cơ cắn người. Đây là mô hình hay cần nhân rộng và phát huy các ưu điểm.
Theo khoản 3, Điều 2 Nghị định số 04/2020, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền 1-2 triệu đồng. Còn theo Nghị định số 144/2021, nếu chủ nuôi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng thì bị phạt với mức phạt từ 300.000-500.000đ. Thiết nghĩ, quy định có, ngành chức năng cần đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền sâu rộng; xử phạt nghiêm các vi phạm để chấm dứt các tình trạng trên.
Bài, ảnh: NAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin