(VLO) Tuyển sinh năm 2024, số lượng học sinh đăng ký xét tuyển vào lĩnh vực khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85% so với năm 2023.
Trong đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến thí sinh quan tâm đến khối ngành giáo dục phải kể đến Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Theo đó, ngoài được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn học phí, sinh viên sư phạm còn được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, sinh viên được hưởng chính sách này chỉ chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là 23/63 tỉnh, thành phố. Phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ đấu thầu đào tạo giáo viên không đạt được hiệu quả như quan điểm của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm thường chậm làm khó khăn cho cơ sở đào tạo và sinh viên.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên muốn trở thành giáo viên và phục vụ trong ngành giáo dục thì phải qua kỳ thi tuyển viên chức. Như vậy, nếu không trúng tuyển thì người học có phải bồi hoàn chi phí hay không?
Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116. Trong đó, bộ đề xuất giữ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm.
Tuy nhiên, quy định không bắt buộc các địa phương phải thực hiện, mà tùy theo điều kiện, nhu cầu của các địa phương tự đảm bảo kinh phí thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Năm học 2024-2025, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo giáo viên chủ động làm việc với các địa phương và đề xuất về việc giao nhiệm vụ đào tạo, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Hai bên cần phối hợp chặt chẽ, có giải pháp để đảm bảo sinh viên sư phạm được chi trả kinh phí theo đúng quy định. Không để tình trạng người học không được hưởng hoặc chậm hưởng chính sách hỗ trợ như hiện nay.
VĨNH PHÚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin