Quản lý không phải cấm dạy thêm, học thêm

15:59, 27/09/2024

Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm, Bộ GD-ĐT đã đăng tải lấy ý kiến đến ngày 22/10/2024, vấn đề này phụ huynh rất quan tâm và đa số mong muốn có cơ chế quản lý phù hợp dạy thêm; đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thực tế, suy nghĩ của đa số phụ huynh từ thành thị đến nông thôn, thường xem học thêm là nhu cầu cần thiết để bồi dưỡng những kiến thức trên lớp còn thiếu sót, hoặc nâng cao kỹ năng cho học sinh. Một số phụ huynh còn mang tư tưởng “gửi thầy cô trông giữ giùm”, “trăm sự nhờ thầy cô”,... hoặc để con học ở nhà thì... không biết hướng dẫn con học thế nào.

Nhìn chung, học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh mong muốn con mình thay đổi và phát triển tốt nhất. Nên hiểu dạy thêm là một nghề làm ngoài, nếu thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện tốt cho nhà giáo yên tâm cống hiến năng lực cho xã hội học tập và nâng cao dân trí.

Do đó, trong quản lý dạy thêm cần công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển. Ngoài quản lý dạy thêm ở trung tâm, cần quản lý giáo viên dạy thêm theo phương thức nhỏ lẻ. Cụ thể, thầy cô dạy nhỏ lẻ, dạy học sinh lớp khác, gia sư, dạy học do phụ huynh nhờ.

Việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết để bộ, ngành, địa phương quản lý được, đảm bảo chất lượng, quyền lợi của người học cũng như đảm bảo quyền lợi thầy cô. Cần đưa dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ pháp lý, đồng thời ngăn ngừa những trường hợp dạy thêm, học thêm không đúng theo nguyện vọng, mong muốn của học sinh.

Dĩ nhiên, phụ huynh không nên đặt cược vào học thêm và xem thầy cô là chủ yếu và quyết định việc học của học sinh; cần thúc đẩy con tự học, học ở thầy, học ở bạn và học trong sách và cuộc sống. Chúng ta nên hiểu rằng, học thêm nhằm bổ trợ những phần kiến thức còn yếu, phát triển những tố chất và năng lực nâng cao cho học sinh. Đối với giáo viên, hãy xem dạy thêm như dạy chính thức trong nhà trường, cần trọng danh dự, uy tín và trách nhiệm để dạy thêm chu đáo, đầu tư dạy kỹ năng và kiến thức, không dạy trước chương trình, không “lộ” bài kiểm tra và cho điểm công bằng.

VĨNH PHÚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh