Học sinh có được dùng điện thoại trong giờ học?

09:30, 13/09/2024

Ngày nay, điện thoại (ĐT) thông minh đã trở nên phổ biến, là thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống. Do vậy, ai cũng có thể sở hữu cho mình một chiếc ĐT phù hợp với thị hiếu và khả năng tài chính. Năm học 2024-2025 đã bắt đầu, việc nên hay không nên cho học sinh sử dụng ĐT trong giờ học đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Mới đây, PGS.TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh- chia sẻ thông điệp đừng để ĐT biến học sinh thành “tù binh” nhận được nhiều sự quan tâm. Theo đó, việc sử dụng ĐT để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt, nhưng đừng để ĐT âm thầm biến học sinh trở thành “tù binh” của mạng xã hội và game. “Nhà tù” vô hình này có thể chôn vùi tuổi thanh xuân, hoài bão và khát vọng của các em. Trên thế giới, đã có nhiều quốc gia “tuyên chiến” mạnh mẽ với việc học sinh dùng ĐT trong giờ học ngay trong năm học này, như: Anh, Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc, Hy Lạp, Hungary, Đan Mạch, Trung Quốc…

Tại Hàn Quốc, nước này áp dụng chính sách hạn chế sử dụng ĐT di động trong trường học, để giảm thiểu sự phân tâm và cải thiện chất lượng giáo dục từ năm 2023. Các quy định yêu cầu học sinh phải để ĐT ở chế độ im lặng và chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cho mục đích học tập cụ thể. Đặc biệt, Bộ Giáo dục Hàn Quốc ban hành quy định mới có hiệu lực từ 1/9/2023, theo đó giáo viên ở các trường tiểu học, THCS và THPT sẽ có quyền tịch thu ĐT di động nếu các em từ chối tuân theo lệnh cấm sử dụng ĐT trong giờ học.

Tại Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 32 năm 2020, quy định nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập, học sinh THCS, THPT được dùng ĐT di động và các thiết bị khác trong giờ học. Văn bản này thay đổi hoàn toàn so với Thông tư số 12 năm 2011, cấm học sinh dùng ĐT di động, máy nghe nhạc trong giờ học dưới mọi hình thức. Theo cách hiểu của người viết, nội hàm Thông tư số 32 của Bộ GD-ĐT là “chỉ cho phép học sinh dùng ĐT di động và các thiết bị khác trong giờ học nhằm phục vụ học tập và phải được giáo viên cho phép”. Việc sử dụng ĐT trong lớp để tra cứu thông tin, truy cập bài học trên mạng khi được giáo viên cho phép cũng giúp phát huy năng lực tự học và sáng tạo của người học. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Như vậy, việc sử dụng ĐT vẫn bị cấm nhưng được nới lỏng hơn, mở ra một phần là học sinh được phép sử dụng cho mục đích học tập khi có sự cho phép và kiểm soát của giáo viên. Thiết nghĩ, nếu giáo viên tích cực và chủ động trong việc tổ chức hoạt động giảng dạy và kiểm soát tốt việc sử dụng ĐT của học sinh, đồng thời mỗi học sinh cũng ý thức được việc dùng ĐT vào mục đích học tập sẽ mang lại hiệu ứng và hiệu quả tốt cho tiết học, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của người học thông qua việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học trong thời đại số.

BÌNH ĐÔNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh