Người tiêu dùng tính toán thắt chặt chi tiêu

07:07, 17/07/2024

Trong bối cảnh giá cả hàng hóa neo ở mức cao, thậm chí một số mặt hàng thiết yếu còn tăng giá, nhiều người tiêu dùng tính toán thắt chặt chi tiêu.

Trong bối cảnh giá cả hàng hóa neo ở mức cao, thậm chí một số mặt hàng thiết yếu còn tăng giá, nhiều người tiêu dùng tính toán thắt chặt chi tiêu.

Mở tiệm chăm sóc da, cắt tóc tại nhà, chị Như Anh (ngụ Phường 9, TP Vĩnh Long) cho biết, thu nhập hàng tháng trên dưới 10 triệu đồng. Đó cũng là thu nhập chính của cả nhà. Chị cho biết thêm, con gái lớn đang học ĐH, con gái nhỏ học lớp 8. Để tiết kiệm chi thì đi chợ hàng ngày “không được vượt quá 100.000đ, chỉ mua cá hoặc thịt, cộng với rau củ ăn cả ngày; thỉnh thoảng mua trái cây thì chọn loại giá mềm.

Các bữa ăn đều nấu tại nhà; cộng với các chi phí khác thì hàng tháng không xài quá 8 triệu đồng”. Chị Tú Ngân (ngụ xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) thì chia sẻ, gần đây, chị mua hàng hóa qua các kênh bán hàng online và “canh” mua ngay thời điểm khuyến mãi, giảm giá nhiều. Đặc biệt không sắm nhiều quần áo, vật dụng... như trước mà chỉ sắm những thứ thật cần thiết. Ăn uống tại nhà thay vì thường ăn sáng, tiệc tùng bên ngoài như lúc trước.

Đi chợ hàng ngày, chị Thảo Lan (Phường 8, TP Vĩnh Long) than vãn: Hiện giá cả đều ở mức cao: thịt heo tới 110.000-120.000 đ/kg, cá điêu hồng 60.000 đ/kg, cá rô nuôi 80.000 đ/kg, cá tra 50.000 đ/kg, nhiều loại rau củ giá tới 35.000 đ/kg…

Chị Phượng- một số tiểu thương bán cá ở Phường 8 xác nhận, khoảng 1 tháng nay, nhiều loại cá tăng giá thêm 5.000- 10.000 đ/kg nên người tiêu dùng mua ít lại hoặc hạn chế mua cá giá cao. Là công nhân khu công nghiệp, anh Phạm Thanh Khoa (xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình) cho biết, từ trước đến nay vợ chồng anh vốn đã chi tiêu tiết kiệm, giờ “càng phải gói ghém hơn thì lãnh lương mới đủ chi tiêu hàng tháng”.

Theo chuyên gia kinh tế, để tiết kiệm chi tiêu, người tiêu dùng cần xây dựng nguyên tắc, có biện pháp chi tiêu thông minh. Theo đó, ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu; theo dõi thu, chi hàng tháng để cắt giảm những khoản không cần thiết, cắt mua sắm xa xỉ, hủy các dịch vụ không quan trọng gây “viêm màng túi”.

Thay vào đó, tìm kiếm các ưu đãi và khuyến mãi trên các ứng dụng và trang web để tiết kiệm chi phí mua sắm, sử dụng dịch vụ. Đồng thời, tìm hiểu và nắm các kiến thức về tài chính cá nhân như cách xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn, rủi ro đầu tư… để quản lý, chi tiêu một cách thông minh, đầu tư hiệu quả.

NAM ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh