Mạng xã hội và tâm lý "đám đông"

08:06, 05/06/2024

Mạng xã hội đã dần mở rộng biên độ tuổi người dùng lên rất rộng gần như không giới hạn, khi chỉ với chiếc điện thoại vài triệu bạc, thì một đứa bé 3 tuổi chưa biết chữ, cho đến người già với thời gian rảnh rỗi vẫn có thể "sống trên mạng" suốt ngày.

Mạng xã hội đã dần mở rộng biên độ tuổi người dùng lên rất rộng gần như không giới hạn, khi chỉ với chiếc điện thoại vài triệu bạc, thì một đứa bé 3 tuổi chưa biết chữ, cho đến người già với thời gian rảnh rỗi vẫn có thể “sống trên mạng” suốt ngày.

Cùng với đó, một lực lượng “sống nương nhờ” vào mạng xã hội sẽ lợi dụng đủ chiêu trò, bất chấp mọi giá trị đạo đức, thậm chí cả luật pháp để “kiếm cơm”. Khi những giá trị thật- giả bị xáo trộn, bị đánh tráo bởi “đám đông” thì càng tạo nên tâm lý tò mò, hiếu kỳ và đẩy vấn đề đi xa với bản chất của nó.

Ngày xưa khi đức Phật chỉ tay về hướng mặt trời, nhưng đám đông và phần đông chỉ nhìn vào… ngón tay, đó chính là sự lầm lẫn, sự chưa thấu đạt vấn đề cốt lõi của hiện tượng và bản chất.

Chân lý còn ở rất xa, rất xa về phía mặt trời, chân lý không nằm ở… ngón tay. Do đó, chỉ một hiện tượng riêng lẻ, một câu chuyện riêng lẻ chưa phải là toàn bộ sự thật của vấn đề, sự ngộ nhận này rất dễ bị lợi dụng nhất là trong môi trường mạng xã hội. Và nguy hiểm thay, chính đám đông ngộ nhận lại tạo nên “sức mạnh” của những trang mạng xã hội càng “lá cải” lại càng tạo nên lượng người xem càng lớn.

Một người chẳng biết gì về y lý, vẫn có thể lợi dụng mạng xã hội để trở nên một “thầy thuốc” mà rất nhiều người tin… sái cổ; chuyện tu tập của một cá nhân, lại bị mạng xã hội lợi dụng trở thành hiện tượng đi quá xa bản chất của vấn đề. Sự lôi kéo của những trang mạng, sự “tác nghiệp” kiểu bất chấp, xâm phạm thô bạo vào những hoạt động đời sống riêng tư của cá nhân, tạo nên những tâm lý tò mò, hiếu kỳ của đám đông; nảy sinh nhiều hệ lụy cho cộng đồng xã hội.

Trong khi những nền tảng triết lý, học thuật hàng ngàn, hàng chục ngàn năm qua nhân loại tích lũy, được lưu truyền lại bằng nhiều hình thức qua kinh sách, hệ thống giáo dục và rất, rất nhiều người dành cả cuộc đời của mình để học tập, để tu tập, rèn luyện còn chưa thể thẩm thấu hết những vấn đề cốt lõi; những lời dạy chính thống thì lại ít người nghe, ít ai đọc; nhưng chỉ cần một hiện tượng “lạ” tung lên mạng xã hội ngay lập tức có cả đám đông vây quanh. Giá trị ảo dần lấn át những giá trị thật; hiện tượng đơn lẻ lặp đi lặp lại nhiều lần trở thành “chân lý của đám đông”.

Không ai có quyền bắt người khác phải “yêu, ghét” như thế nào; cũng không ai có quyền xâm phạm tự do về niềm tin của cá nhân; nhưng chúng ta có quyền và phải có trách nhiệm chỉ ra những giá trị ảo của mạng xã hội đã cố tình tạo ra và lợi dụng tâm lý “đám đông” làm lu mờ những giá trị cốt lõi của nhân sinh.

NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh