Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ngày càng phổ biến và trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng.
Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ngày càng phổ biến và trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, cũng còn những băn khoăn nhỏ. Trong đó, một số ý kiến cho rằng TTKDTM, nhất là thanh toán qua app điện thoại không phù hợp với những khoản tiền quá nhỏ, muốn chuyển khoản thì cần kết nối mạng- vậy trách nhiệm kết nối này thuộc về người tiêu dùng hay điểm bán?
Ghé tạp hóa mua bịch bánh 20.000đ, một bạn trẻ đề nghị chuyển khoản và xin mật khẩu wifi của tiệm. Chủ tiệm đọc mật khẩu và cho hay có thể quét QR, tuy nhiên, cũng tỏ ra khó chịu khi “có 20.000đ mà không trả tiền mặt cho nhanh?”. Trời trưa nắng nóng, một số khách hàng đang chờ tới lượt cũng thầm thì: ít quá mà cũng chuyển khoản, thích chuyển vậy sao điện thoại không kết nối 3G mà lại hỏi pass wifi, thiệt là lâu lắc…
Tương tự, đi siêu thị hay ở quán trà sữa, mì cay… nhiều bạn trẻ cũng chọn thanh toán chuyển khoản. Thanh Ngân (sinh viên năm 4, ở xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cho biết, em chuộng TTKDTM vì chỉ cần chiếc điện thoại thông minh vốn luôn mang theo, không cần giữ tiền mặt, trong khi ngân hàng, các ứng dụng thanh toán thường có các ưu đãi, giảm giá cho người dùng.
Theo Ngân, hiện hầu hết các nơi điều có nhận chuyển khoản, quét QR để thanh toán, kể cả cây xăng, tạp hóa… Tuy nhiên, cũng có nơi như tạp hóa chưa có wifi hoặc có wifi nhưng điện thoại không kết nối ngay được hoặc chập chờn dẫn đến thanh toán gặp trục trặc và khá phiền hà. Do đó, nếu người dùng chuộng TTKDTM thì nên kết nối sẵn 3G. Phía người bán cũng cần trang bị sẵn sàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng TTKDTM.
Đồng ý kiến này, Huỳnh Như (xã Song Phú, huyện Tam Bình) cho rằng, giờ nhiều nơi đều sẵn sàng nhận TTKDTM. Do đó, nếu người bán muốn được ủng hộ sản phẩm dịch vụ thì cần nhanh chóng trang bị, tạo thuận lợi. Ngay cả đối với những khoản tiền nhỏ thì người bán cũng cần vui vẻ nhận chuyển khoản vì tiền mặt hay tiền tài khoản vẫn là tiền của khách, đều mang đến giá trị mua hàng như nhau; nếu không khách có thể chọn nơi khác.
Chị Mai- chủ một tạp hóa ở Phường 8, cho biết, nhiều khách hỏi có nhận thanh toán chuyển khoản không vì không mang theo ví, không mang tiền mặt, chưa kịp rút tiền… Khi tiệm chưa mở tài khoản để nhận thanh toán chuyển khoản, có khách lỡ mua thì phải thiếu lại (trả sau), có người thì ngại không mua, qua tiệm khác mua. Thấy vậy “tôi mở tài khoản liền, có quét mã QR để tạo thuận lợi cho khách hàng”.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, giá trị TTKDTM gấp 25 lần GDP; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 450.000 điểm…
Theo đó, việc nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại luôn được ngành ngân hàng quan tâm, chú trọng đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập tài chính quốc tế.
Thiết nghĩ, TTKDTM mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Theo đó, người bán cần đầu tư “hạ tầng” cần thiết nhằm tạo thuận lợi, hài lòng nhất cho khách hàng. Người mua cũng cần trang bị nhằm đảm bảo việc thanh toán của mình được thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng.
NAM ANH