Thời gian gần đây, liên tục các vụ học sinh bị ngộ độc do ăn kẹo lạ, đồ chơi từ hàng rong trước cổng trường khiến phụ huynh bất an, lo lắng và mong mỏi phải có cách ngăn chặn triệt để.
Chị P.Q.T. lo lắng sức khỏe của con khi con có ăn kẹo “lạ”. |
Thời gian gần đây, liên tục các vụ học sinh bị ngộ độc do ăn kẹo lạ, đồ chơi từ hàng rong trước cổng trường khiến phụ huynh bất an, lo lắng và mong mỏi phải có cách ngăn chặn triệt để.
Cụ thể, ngày 5/4, 30 học sinh Trường THCS Tân Châu (xã Tân Châu, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) mua kẹo (không rõ nguồn gốc, chữ nước ngoài) tại một tiệm tạp hóa đối diện trường, đem đến lớp để chia nhau ăn.
Sau khi ăn, các em đều có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn... Trước đó, tại Vĩnh Long, 19 học sinh Trường THCS Lộc Hòa, huyện Long Hồ đã bị nôn và khó thở sau khi tiếp xúc với một thứ đồ chơi có tên là “Fart bomb”, do các em mua bên ngoài rồi đem vào sân trường chơi.
Các em học sinh Trường THCS Tân Châu, Trường THCS Lộc Hòa đều được đưa đến các cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe và các em đều đã đi học bình thường, nhưng cũng khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng, khi hiện nay việc bày bán hàng rong trước cổng trường học vẫn còn phổ biến.
Chị P.Q.T. (Phường 2, TP Vĩnh Long) lo lắng khi con gái học lớp 3 được bạn cho kẹo ăn được mua gần trường học. Loại kẹo được đóng trong các túi nhỏ nhiều màu sắc có in chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, giống như kẹo mà 30 học sinh ở Di Linh nghi ngộ độc mà chị vừa đọc trên các phương tiện truyền thông.
“Dù liên tục nhắc con, nhưng con nít mà, mấy bạn có bánh kẹo, cùng chia nhau ăn… Giờ thấy trên các phương tiện truyền thông nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến ăn uống thực phẩm trước cổng trường xảy ra ngày một nhiều, tôi thực sự lo lắm… ”- chị T. cho biết.
Để hạn chế nguy cơ trẻ tiếp xúc với các loại kẹo lạ, ảnh hưởng đến sức khỏe cha mẹ tuyệt đối không cho tiền con mua đồ ăn vặt tại trường. Hạn chế ăn vặt đối với trẻ, nhắc nhở trẻ ăn những loại đồ ăn rõ nguồn gốc, không ăn, uống thực phẩm lạ ngoài khu vực trường học. Bởi những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ngộ độc.
Thiết nghĩ, để bảo vệ sức khỏe cho học sinh thì ngành chức năng cần quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh đối với các loại thực phẩm hiện đang bày bán trước cổng trường. Ngoài ra, nhà trường và gia đình cần tăng cường giáo dục ý thức cho học sinh để tránh xa mầm bệnh từ những gánh hàng vỉa hè. Đồng thời, các trường học thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết dẹp bỏ tình trạng bán hàng không đảm bảo vệ sinh trước cổng trường.
Bài, ảnh: MAI ANH