Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh cùng với lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, huyện Trà Ôn có buổi đối thoại với các hộ dân ngụ tại xã Thiện Mỹ, TT Trà Ôn, xã Tích Thiện và xã Lục Sĩ Thành- khu vực khai thác khoáng sản (cát sông) thực hiện dự án thành phần đoạn Cần Thơ- Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam- phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Cần tăng cường tuyên truyền để hộ dân thấu hiểu, đồng thuận với việc khai thác cát phục vụ xây dựng cao tốc Bắc Nam. |
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh cùng với lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, huyện Trà Ôn có buổi đối thoại với các hộ dân ngụ tại xã Thiện Mỹ, TT Trà Ôn, xã Tích Thiện và xã Lục Sĩ Thành- khu vực khai thác khoáng sản (cát sông) thực hiện dự án thành phần đoạn Cần Thơ- Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam- phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi đổi thoại, mặc dù các đại biểu đã cố gắng giải thích mục đích, ý nghĩa, quy trình khai thác… của dự án này, nhưng còn nhiều hộ dân lo lắng về tác động gây sạt lở ảnh hưởng tài sản, đất đai, đời sống và không đồng ý cho khai thác cát.
Sau đó, người viết có đến ấp An Thạnh thuộc xã Lục Sĩ Thành, một trong những ấp nằm trong khu vực mỏ thuộc dự án nêu trên để tìm hiểu nguyên nhân.
Dọc theo bờ sông Hậu (đoạn bờ Tây thuộc xã Lục Sĩ Thành), các hộ dân treo nhiều biểu ngữ “Khu vực đã và đang bị sạt lở, đề nghị không được khai thác cát” để phản ứng. Nhiều hộ bức xúc cho rằng: Khu vực này đã bị khai thác rất mạnh mẽ vào năm 2009-2010, xáng cạp sát mé sông chừng 50m và quá sâu, gây sạt lở nhiều cây cối, đất đai. Nay tiếp tục được cấp phép cho khai thác với độ sâu xuống 15m nữa thì sâu quá thì chắc chắn bị sạt lở nữa.
Tuy nhiên, qua giải thích của một số cán bộ chuyên môn của Sở TN-MT tỉnh thì các mỏ cát phục vụ cho dự án cao tốc lần này được cấp phép khai thác đến cao trình tối đa là -15m (âm 15m) và cách hai bờ sông mỗi bên tối thiểu là 100m.
Độ sâu -15m không phải là khai thác cách đáy sông hiện hữu xuống sâu 15m, mà đây là cao trình tính theo độ cao tuyệt đối so với mực nước biển. Hiện đáy sông Hậu tại các mỏ có cao trình phổ biển từ -12m đến -12,5m, như vậy cấp phép khai thác đến cao trình -15m, nghĩa là chỉ khai thác một lớp cát dày cỡ chừng 2,5-3m (tức 15m trừ 12m, 12,5m còn 2,5-3m) hay mỏng hơn nữa. Nghe qua, một số hộ mới vỡ ra là tưởng đâu khai thác xuống sâu 15m nữa chứ?!
Người viết có đặt vấn đề với cán bộ chuyên môn của Sở TN-MT, Phòng TN-MT huyện Trà Ôn là tại sao không giải thích cho dân thấu hiểu ngay từ đầu. Các cán bộ này cho hay, có tổ chức họp nhiều lần, nhưng hễ vào cuộc họp, cán bộ mình mở miệng nói vài câu là hộ dân phản đối kịch liệt, không để cho cán bộ nói gì cả, chỉ biết lặng lẽ rút lui...
Còn nhiều vấn đề nữa dẫn đến người dân không đồng tình với việc khai thác cát, nhưng qua cuộc tìm hiểu thực tế lần này, cũng thấy được một phần vướng mắc của vụ việc là do ảnh hưởng không tốt của những lần khai thác cát trước đây tại khu vực này. Bên cạnh, hộ dân chưa hiểu rõ yếu tố kỹ thuật, quy trình khai thác của các mỏ này (như khoảng cách gần bờ, độ sâu, thời gian, công tác giám sát trong tiến trình khai thác mỏ…).
Từ đây cho thấy, một số hộ dân cũng tự nhìn rõ lại vụ việc, cần lắng nghe cán bộ giải thích tường tận, không vì quá bức xúc mà phản ứng tiêu cực. Các cơ quan, đơn vị chuyên môn cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hơn nữa để người dân hiểu, đồng thuận với việc khai thác cát phục vụ cho xây dựng dự án đường cao tốc Bắc Nam theo đúng tiến độ mà UBND tỉnh đã cam kết với Chính phủ.
Bài, ảnh: MINH HÒA