Những ngày đầu trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết, con tôi (học lớp 1) về kể: "Có mấy bạn đem theo tiền lì xì vô lớp rồi so với nhau xem ai nhiều tiền hơn đó mẹ!".
Những ngày đầu trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết, con tôi (học lớp 1) về kể: “Có mấy bạn đem theo tiền lì xì vô lớp rồi so với nhau xem ai nhiều tiền hơn đó mẹ!”.
Và, liền trưa đó, Zalo nhóm lớp con tôi nhận được tin nhắn của cô chủ nhiệm nhắc nhở: “Phụ huynh không nên để các em mang theo tiền đến lớp. Có em mang vào lớp khá nhiều tiền”. Sau Tết, có nhiều trẻ còn không ít tiền lì xì. Đồng ý tiền lì xì (ảnh) là “tiền của con” nhưng cha mẹ không nên để con thích mua gì thì mua, làm gì thì làm mà hãy định hướng, gợi ý cách sử dụng số tiền này sao cho có ích tùy vào độ tuổi của các con.
Chị Phan Kim Ngọc (ngụ huyện Trà Ôn) cho biết: “Vì gia đình nội, ngoại đông nên những ngày Tết con tôi được nhận khá nhiều lì xì. Sau Tết, tôi dẫn bé đi mua thêm một ít đồ dùng học tập, mua bộ truyện mới, ăn kem,… phần tiền còn lại, tôi gửi tiết kiệm cho con. Tiền lì xì- tiền “lộc” mà phải gìn giữ cho con!”.
Gửi tiết kiệm tiền lì xì của con là biện pháp được nhiều cha mẹ lựa chọn. Bên cạnh đó, một số cha mẹ chọn cách giữ hộ và “phát” dần tiền lì xì cho con ăn sáng, tiêu vặt hàng ngày. Ngoài ra, cũng có cha mẹ gợi ý cho con dùng tiền lì xì để giúp đỡ, chia sẻ, ủng hộ những bạn có hoàn cảnh khó khăn, khơi gợi lòng nhân ái, sự sẻ chia, đùm bọc trong trẻ. Tất cả những cách làm của cha mẹ nêu trên đều sẽ giúp các con sử dụng tiền lì xì một cách hợp lý, có ích.
Cha mẹ hãy là người định hướng, dạy bảo các con trong cách sử dụng tiền lì xì sao cho thật hiệu quả và xứng đáng với tình cảm mà người lớn đã trao. Có như thế thì dù con có nhận được tiền lì xì nhiều hay ít thì các con cũng đều biết trân trọng. Và, không nên để con “tự quyết” đối với tiền lì xì- nhất là ở các bé chưa ý thức được hết về tiền bạc.
Bài, ảnh: NHƯ Ý