Cẩn trọng buôn bán thời vụ Tết

07:01, 24/01/2024

Những ngày cận Tết là cơ hội kiếm tiền đối với những người buôn bán thời vụ các mặt hàng Tết, nhất là hoa, nông sản chưng Tết (như dưa hấu, trái cây…), trong đó có nhiều người hốt bạc; nhưng cũng không ít người vỡ mộng vì thua lỗ…

 

Cần nắm chắc thông tin về thị trường, thời tiết… để tránh bị rủi ro khi kinh doanh trong dịp Tết. Trong ảnh: Bán hoa tại chợ hoa xuân TP Vĩnh Long.
Cần nắm chắc thông tin về thị trường, thời tiết… để tránh bị rủi ro khi kinh doanh trong dịp Tết. Trong ảnh: Bán hoa tại chợ hoa xuân TP Vĩnh Long.

Những ngày cận Tết là cơ hội kiếm tiền đối với những người buôn bán thời vụ các mặt hàng Tết, nhất là hoa, nông sản chưng Tết (như dưa hấu, trái cây…), trong đó có nhiều người hốt bạc; nhưng cũng không ít người vỡ mộng vì thua lỗ…

Còn nhớ, năm rồi, người viết về quê ăn Tết, có ghé thăm người em họ ở một xã thuộc huyện Mang Thít. Vào nhà người này, thấy không có không khí Tết, mặt mày vợ chồng bí xị, hỏi ra mới biết là bán dưa hấu Tết bị lỗ nặng. Đây là năm thứ 2, em ấy bán dưa Tết bị thua lỗ.

Tết năm 2022, thấy dịch Covid-19 lắng dịu, nghe người bạn rủ rê, vợ chồng em ấy đến tận ruộng dưa ở tỉnh Trà Vinh mua 1 thiên (1.200 trái) dưa hấu, loại dưa to tròn trưng Tết (từ 18-20 kg/cặp), về bán ở chợ xã.

Giá dưa mua tại chỗ là 17.000 đ/kg, chi hết 20 triệu đồng. Những ngày đầu đem về chỉ bán được hơn phân nửa số dưa với giá bán từ 20.000-25.000 đ/kg, số còn lại em hạ giá đến 50-80% mới bán gần hết, rốt cuộc bị thua lỗ 10 triệu đồng!

Tết năm 2023, em ấy chuyển qua bán dưa thường, loại trái dài, vỏ xanh ruột đỏ nhằm gỡ gạc cho năm trước. Nhưng lần này bị lỗ nặng hơn, đến 15 triệu đồng. Hồi đầu tháng Chạp này, gặp lại em ấy, người viết hỏi có bán dưa Tết nữa không, em lắc đầu, le lưỡi.

Cũng ôm mộng hốt bạc dịp cuối năm, năm rồi, vợ chồng anh V.M.H. ở một xã thuộc huyện Long Hồ làm nghề buôn bán vật liệu xây dựng, nghe bạn bè truyền tai nhau là bán hoa dịp Tết trúng lớn nên cũng xách túi đi buôn.

Chị bàn với chồng bỏ ra 50 triệu đồng đến một vùng chuyên trồng hoa ở Cái Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) nhập hàng về bán ở chợ Long Hồ.

Nhưng mọi thứ không như mong đợi, do không nắm vững thị trường, không biết nhận diện hoa tốt hoa xấu, nên mua hàng tuy giá thấp hơn nhưng hoa không đẹp, có các thứ hoa lạ, ngoại nhập giá cao... Vì vậy, đến khoảng 26 Tết, chị đã phải vội vã treo bảng giảm giá từ 30-50% để tiêu thụ nhanh. Cuối cùng lãi chẳng thấy đâu, chỉ thấy ế ẩm, lỗ vốn.

Từ hai câu chuyện trên cho thấy, để kinh doanh thuận lợi các mặt hàng hoa, nông sản hay các loại hàng khác trong những ngày giáp Tết, ngoài vốn liếng, người buôn bán cần lên kế hoạch kỹ, nắm chắc thông tin về nhu cầu thị trường Tết, tình hình thời tiết, kinh tế của địa phương của đất nước trong năm để biết sức mua của người dân trong dịp Tết.

Bên cạnh, cũng cần biết kỹ thuật chăm sóc cho hoa, bảo quản nông sản… đạt chất lượng, bông nở đẹp, khi đó bán được giá cao, người kinh doanh sẽ có lợi nhuận nhiều hơn; đồng thời cần có kinh nghiệm trong kinh doanh để mua được hàng tốt, bán được hàng nhanh, lời cao… không để ăn Tết buồn vì bị thua lỗ.

Bài, ảnh: MINH HÒA

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh