Dạo gần đây, mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube nổi lên xu hướng mì thanh long với câu slogan mộc mạc: "Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm".
Dạo gần đây, mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube nổi lên xu hướng mì thanh long với câu slogan mộc mạc: “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”. Thậm chí trên Google search, sản phẩm này có đến 300.000 kết quả tìm kiếm chỉ trong thời gian ngắn.
Được biết, mì thanh long là công trình nghiên cứu của một nhóm người có tâm huyết với nông sản Việt.
Đó là Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (HUFI), Viện Khoa học Kinh tế- Công nghệ Sài Gòn, Công ty TNHH Thanh Long Bình Thuận và Công Ty TNHH Caty Food đã tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất thành công sản phẩm mì ăn liền có bổ sung thành phần trái thanh long bằng công nghệ nano.
Cũng cần nói thêm, trước đây trái thanh long đã có trong bánh mì, bánh cuốn, bánh phở, trà, rượu, bánh bao...
Từ lúc mì tôm thanh long ra mắt, sản phẩm được người tiêu dùng Việt đón nhận nồng nhiệt. Thậm chí, các YouTuber, TikToker, Facebooker,... đua nhau bắt trend (xu hướng) khiến thanh long nổi tiếng nhiều hơn.
Điều đó cho thấy, trái thanh long đã có hướng đi mới, không còn lao đao về giá, tìm nguồn cầu khó khăn như trước nữa. Tuy nhiên, những nông sản khác vẫn còn đó đầy nỗi lo âu. Như tầm một tháng qua, bà con Vĩnh Long và các tỉnh lân cận trồng cam sành đang khóc ròng vì giá chỉ 3.000 đ/kg tại vườn.
Hay bà con ở Ninh Hòa, Khánh Hòa méo mặt vì bí đỏ rớt giá chỉ còn 1.800-3.000 đ/kg. Những năm trước đây, củ cải trắng, chuối, khoai lang, dừa,... cũng có số phận tương tự.
Việc tìm hướng đi mới cho nông sản Việt, nhằm tránh bị thương lái ép giá là điều cần thiết trong thời đại mới, khi công nghệ giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Nó đòi hỏi mọi người cùng nhau hợp sức để nông sản có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để làm được điều đó, nhà nông cần nắm bắt xu hướng thị trường, tìm lối đi riêng, phát triển nông sản theo hướng sạch, hữu cơ, thay vì lạm dụng quá nhiều phân thuốc. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh TikTok, Facebook, YouTube, Twitter,...
Cụ thể, một khi nông sản rớt giá, nhà nông có thể quảng bá sản phẩm của mình trên Facebook, TikTok để bà con trong nước biết đến, ủng hộ. Nếu khó khăn đầu ra, nhà nông nên tìm cách bán hàng trực tiếp (thay vì qua thương lái) tại các thành phố lớn.
Chế biến nông sản theo cách đóng hộp thủ công để giữ được lâu: củ cải có thể làm cải muối, cải khô, dưa; chuối (khoai lang) phơi khô, chuối sấy, chuối mứt; cam có thể làm mứt dẻo, nước ép,...
Hiện có nhiều thương lái nước ngoài thu mua số lượng lớn một loại nông sản trong một thời gian ngắn với giá rất cao, tạo nên thị trường ảo (sau đó thì mất tích). Điều đó khiến nhà nông lao theo trồng một kiểu mà không lường trước được hậu quả. Vì vậy, bà con nông dân nên hết sức cân nhắc để tránh thiệt hại.
Chính quyền địa phương nên giám sát, tích cực tuyên truyền bà con nông dân làm nông nghiệp sạch, bền vững, tránh trồng đại trà để không bị rớt giá (khi cung lớn hơn cầu). Các cơ quan truyền thông cần có nhiều cuộc thi về khuyến nông để khuyến khích sự sáng tạo ở bà con nông dân.
Riêng các bạn sinh viên ngành nông lâm, cần nhiều sự nghiên cứu hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp, để nâng cao vị thế nông nghiệp nước nhà, gián tiếp giúp bà con nông dân trúng mùa được giá.
NGUYỄN THANH VŨ