Sớm tiêm phòng, bảo vệ đàn heo trước "bão" dịch tả heo châu Phi

11:11, 02/11/2023

Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh) đã phát hiện và tiêu hủy thêm 2 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) tại 2 xã: Đông Thành (TX Bình Minh), Long Phước (Long Hồ) với số heo bệnh là 74 con, tổng trọng lượng 2.526kg.

Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh) đã phát hiện và tiêu hủy thêm 2 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) tại 2 xã: Đông Thành (TX Bình Minh), Long Phước (Long Hồ) với số heo bệnh là 74 con, tổng trọng lượng 2.526kg.

Như vậy, kể từ đầu năm 2023 đến nay, trong tỉnh đã xảy ra 10 ổ dịch ở 8 xã thuộc các huyện Trà Ôn, Long Hồ, Tam Bình và TX Bình Minh với tổng số heo bị bệnh, tiêu hủy là 254 con, tổng trọng lượng 10.678kg. Hiện phần lớn các ổ dịch đã qua thời gian cách ly 21 ngày, còn 3 ổ dịch ở xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn), Đông Thành (TX Bình Minh) và Long Phước (Long Hồ) đang được giám sát chặt chẽ.

Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản, thời tiết đang chuyển dần từ mùa mưa sang mùa khô, nhiệt độ dao động lớn, nên ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, nguy cơ xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi là rất cao.

Riêng ASF xuất hiện kéo dài từ nhiều năm qua, gây thiệt hại lớn đối với hộ, cơ sở chăn nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ; nhiều hộ buộc phải đóng chuồng, trại vì dịch bệnh này. Năm nay, dịch bệnh tiếp tục xuất hiện ở nhiều xã trong tỉnh.

Vào ngày 24/7/2023, Bộ Nông nghiệp-PTNT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng vaccine phòng bệnh ASF, từ đây vaccine này chính thức được phép sử dụng rộng rãi trên cả nước. Đây là tin vui đối với nhiều người chăn nuôi. Vì vậy, ngành chức năng của tỉnh cần sớm tổ chức triển khai tiêm phòng đại trà trên đàn heo trên địa bàn tỉnh để hạn chế và ngăn chặn số ổ dịch ASF xảy ra.

Tuy nhiên, đây là loại vaccine mới, mặc dù đã được cho phép sử dụng rộng rãi và có quy trình sử dụng được cơ quan chuyên môn, cấp thẩm quyền ban hành, nhưng để cho người chăn nuôi an tâm sử dụng, ngành chuyên môn cần sớm triển khai công tác tuyên truyền, thông tin, tập huấn… đầy đủ, rộng rãi đến tận hộ, cơ sở nuôi về công dụng, cách sử dụng vaccine đúng, hiệu quả, an toàn; địa điểm cung cấp vaccine tin cậy; chính sách của Nhà nước hỗ trợ tiêm phòng cũng như hỗ trợ rủi ro sau khi tiêm phòng.

Theo các chuyên gia, khi chưa được tiêm vaccine ngừa ASF trong khi bệnh vẫn lây lan rất nhanh, người chăn nuôi cần tiếp tục chủ động phòng ngừa bằng biện pháp sinh học để giảm thiểu hệ lụy từ bệnh dịch này. Bệnh ASF gây hại một cách gián tiếp đến sức khỏe con người, vì thế mỗi cá nhân cũng cần chủ động ăn uống đảm bảo vệ sinh và chú ý chọn thực phẩm được kiểm định rõ ràng để bảo vệ sức khỏe.

MINH HÒA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh