Rác thải nhựa là một trong những tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải nhựa- "ô nhiễm trắng" luôn là vấn đề thời sự của cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng, đang hiện hữu, tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, môi trường sống.
Rác thải nhựa là một trong những tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải nhựa- “ô nhiễm trắng” luôn là vấn đề thời sự của cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng, đang hiện hữu, tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, môi trường sống.
Nhận thức rõ được những tác hại vô cùng lớn từ “ô nhiễm trắng”, những năm qua, nhiều phong trào, nhiều mô hình bảo vệ môi trường được triển khai rộng rãi, nhất là mô hình “Nói không với rác thải nhựa” được nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, người dân trong tỉnh hưởng ứng nhiệt tình... và nhiều quy định về quản lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được cấp thẩm quyền ban hành. Nhưng vì sao chất thải nhựa vẫn có mặt tại nhiều nơi, nhất là trên các dòng kinh, rạch, lề đường, nắp cống, gầm cầu?
Thực tế có thể thấy là, hiện các vật chứa đựng bằng nhựa như bao bì nilon, chai, lọ nhựa… có tính ưu việt, tiện lợi, bền, giá còn rẻ hơn so với các vật chứa đựng khác thân thiện với môi trường (túi giấy, túi nhựa tự hủy…), nên người dân vẫn còn ưa chuộng sử dụng. Minh chứng rõ nét nhất là mỗi lần đi chợ của một gia đình cũng mang về cả chục túi nilon đựng các đồ thực phẩm.
Kế đến có thể do các biện pháp chế tài của ngành chức năng chưa đủ mạnh, chưa thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nên nhiều người cứ vô tư thải rác không theo quy định vào môi trường.
Bên cạnh, ở các đô thị như TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, việc thu gom rác thải ở các khu dân cư, ở ven các trục đường lớn và ở vùng lõi thuộc các phường trung tâm từ nhiều năm nay đã thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, ở các hẻm nhỏ trong khu dân cư và tại các phường ven đô chưa tổ chức được tổ thu gom rác nên chất thải rắn sinh hoạt (trong đó có chất thải nhựa và túi nilon) thường được đổ thẳng ra kinh, mương...
Vì vậy, vấn đề cốt lõi để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa là cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân, giáo dục thế hệ trẻ dần dần bỏ thói quen sử dụng và hạn chế sử dụng đồ nhựa; bỏ rác thải nhựa đúng quy định, an toàn; cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa ngày hôm nay là chúng ta đang bảo vệ thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Bên cạnh, các đơn vị quản lý công trình công cộng cần tổ chức thu gom tốt rác thải để tránh tình trạng người dân thải tràn lan; đồng thời các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp cần sớm nghiên cứu, sản xuất ra các loại vật chứa đựng khác thân thiện với môi trường (túi giấy, nhựa tự hủy…) có giá thành thấp hơn các loại vật chứa đựng bằng nhựa hiện tại, từng bước giúp người dân tránh xa sử dụng túi, chai, lọ… bằng nhựa.
MỸ TRUNG