Để đô thị ứng phó tốt hơn với triều cường

07:10, 03/10/2023

Cũng như các đô thị ở Nam Bộ, trong những năm gần đây, các đô thị (ĐT) ở tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ngập lụt do triều cường trong những tháng cuối năm. Làm thế nào để ĐT ứng phó tốt hơn với thiên tai này?

 

Kè vừa là công trình chỉnh trang đô thị, vừa là đê ngăn triều cường. Trong ảnh: Kè khu vực chợ Cái Vồn (TX Bình Minh).
Kè vừa là công trình chỉnh trang đô thị, vừa là đê ngăn triều cường. Trong ảnh: Kè khu vực chợ Cái Vồn (TX Bình Minh).

Cũng như các đô thị ở Nam Bộ, trong những năm gần đây, các đô thị (ĐT) ở tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ngập lụt do triều cường trong những tháng cuối năm. Làm thế nào để ĐT ứng phó tốt hơn với thiên tai này?

Mặc dù một số ĐT đã có quy hoạch phát triển và ngành chức năng, các chuyên gia cũng đã khuyến cáo, nhưng đến nay vẫn còn tình trạng ứng phó với triều cường theo kiểu “giật gấu vá vai”- triều cường, nước lên cao tới đâu là tiến hành xây dựng, nâng cấp cốt hết các công trình, nhà, cơ sở sản xuất lên cao đến đó, lên cao trình “vượt đỉnh triều”. Làm như vậy rất tốn kém, rất khó khăn và không có nguồn đầu tư nào đảm bảo nổi!

Trong những năm qua, việc ứng phó với lũ, triều cường bằng giải pháp thủy lợi như quy hoạch xây dựng vùng ô bao lớn, tôn cao và kiên cố hóa đê bao, xây cống ở cửa sông lớn, cải tạo hệ thống kênh, rạch trong vùng đê bao... đã được ngành nông nghiệp áp dụng thành công, mang lại hiệu quả thiết thực ở vùng nông thôn. Ngày nay, vùng nông thôn trong tỉnh đã cơ bản ứng phó khá tốt với triều cường; đê bao, đường bộ, diện tích đất đai bị tràn, bị ngập đã giảm đáng kể. Thiết nghĩ, giải pháp này có thể áp dụng cho các ĐT, trong đó thay việc xây dựng công trình đê bao bằng công trình kè ven các tuyến sông chính trong khu vực ĐT. Công trình kè vừa chỉnh trang ĐT vừa là đê ngăn triều cường, chống ngập.

Những năm qua, các ĐT trong tỉnh đã được đầu tư khá nhiều công trình kè ven sông để ngăn triều chống ngập. Các khu vực phía sau các tuyến kè, phần lớn không bị ngập. Có một số ĐT có xây kè nhưng còn bị ngập là do đỉnh triều cường quá cao, vượt đỉnh kè, do các công trình trên tuyến kè (như cống thoát nước, cửa van ngăn triều) thi công chưa hoàn thành.

Tuy nhiên, để ứng phó tốt hơn với triều cường với tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu (BĐKH)- nước biển dâng, việc thiết kế, xây dựng các công trình tại các ĐT trong thời gian tới cần lồng ghép yếu tố ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai, cần cập nhật kịch bản BĐKH mới nhất để thiết kế, xây dựng công trình đảm bảo an toàn.

Trên cơ sở Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có dự báo cụ thể mức nước dâng do BĐKH đến năm 2030 hay 2050, các chủ dự án, chủ quản lý công trình có thể biết được độ vượt cao của mức nước dâng do BĐKH, từ đó tính ra cao trình đỉnh hay cố nền “vượt đỉnh triều cường” của các công trình trong ĐT, để không bị tràn trong khoảng thời gian đã tính toán theo thiết kế (20 năm hay 50 năm tới…).

Bên cạnh giải pháp công trình, các cấp chính quyền, tổ chức và người dân cần điều chỉnh kế hoạch, hoạt động kinh tế, xã hội phù hợp thích ứng với điều kiện bị ngập lụt, tránh bị thiệt hại; đồng thời thúc đẩy cộng đồng nhận thức đầy đủ và chủ động hơn trong phòng, chống, ứng phó với thiên tai, BĐKH.

Trong đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân cần chủ động lập kế hoạch bảo vệ tài sản, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Chính quyền cần lên kế hoạch phòng, chống triều cường, thiên tai ngay từ đầu mùa, xây dựng phương án ứng phó khi thiên tai có xu thế bất thường; bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời hỗ trợ người dân. Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học cần lên lịch học phù hợp để tránh bị ngập, không để cho học sinh bị đuối nước…

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh