Nhằm bảo vệ quyền lợi và đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng, việc lấy mẫu, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp (VTNN) luôn được ngành nông nghiệp trong tỉnh quan tâm thực hiện. 7 tháng đầu năm nay, kết quả phân tích chất lượng các mẫu thử, đa số các mẫu đều đảm bảo an toàn.
(VLO) Nhằm bảo vệ quyền lợi và đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng, việc lấy mẫu, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp (VTNN) luôn được ngành nông nghiệp trong tỉnh quan tâm thực hiện. 7 tháng đầu năm nay, kết quả phân tích chất lượng các mẫu thử, đa số các mẫu đều đảm bảo an toàn.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, tổng số mẫu được giám sát chất lượng ATTP trong 7 tháng qua là 140, kết quả phân tích có 130/140 mẫu đạt, chiếm tỷ lệ 92,86% và 10/140 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 7,14%. So với cùng kỳ năm 2022, số mẫu thu được giảm 6 mẫu và tỷ lệ mẫu không đạt tăng 0,98%.
Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và kiểm lâm thu 54 mẫu kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi có 53 mẫu đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 98,1%).
Về giám sát chất lượng VTNN, Thanh tra Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan mở 14 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất tại 2.234 cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN (trong đó có 1.719 quầy thịt), đã xử lý vi phạm đối với 57 cơ sở, tổng số tiền phạt 302,59 triệu đồng.
Đồng thời thu 37 mẫu VTNN (6 mẫu thuốc BVTV, 4 mẫu thức ăn chăn nuôi, 7 mẫu phân bón), kết quả có 11 mẫu không đạt đã bị xử lý bằng hình thức phạt tiền với tổng số tiền phạt 123,5 triệu đồng.
Bên cạnh, Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản phát hiện 1 vụ bơm nước trên heo, đã xử lý phạt tiền 7,5 triệu đồng.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 21 chuỗi cung ứng nông sản bảo đảm ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ, thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ tham gia. Ngành nông nghiệp đã liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL trong ban điều phối để chủ động duy trì và mở rộng chuỗi cung ứng này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quản lý về ATTP, để thực hiện tốt hơn công tác giám sát chất lượng ATTP, VTNN trong thời gian tới, tỉnh cần áp dụng công nghệ số để xây dựng một số mô hình quản lý chuyên ngành, như: hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông, lâm, thủy sản; hệ thống phần mềm kiểm tra, đánh giá kiến thức ATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản; hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản và hệ thống cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ về ATTP…
Các hệ thống này có sự tham gia của các bên liên quan, nhờ đó mà quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm.
MỸ TRUNG