Mấy nay khu phố nhà tôi í ới gọi nhau. Người thì lo hỏi thăm sức khỏe của bác Sáu. Người thì nấu thêm miếng cơm, miếng canh thay phiên nhau mang qua mời bà Hai. Bác Sáu bị té, đi đứng chưa mạnh được như bình thường.
Mấy nay khu phố nhà tôi í ới gọi nhau. Người thì lo hỏi thăm sức khỏe của bác Sáu. Người thì nấu thêm miếng cơm, miếng canh thay phiên nhau mang qua mời bà Hai. Bác Sáu bị té, đi đứng chưa mạnh được như bình thường.
Bà Hai bệnh trong khi chỉ sống có một mình. Những buổi chiều rỗi việc, chị em trong khu nhà ở của chúng tôi thường ra trước nhà trò chuyện cùng nhau. Còn cánh đàn ông thì mỗi khi có tiệc tùng ai cũng cố gắng thu xếp công việc, gia đình để “có mặt với hàng xóm láng giềng”. Nhiều người bảo: “Sống ở thành được như vậy là quý lắm à nhe!”.
Thật vậy, tôi đem những câu chuyện “vặt” trong sinh hoạt hàng ngày ở khu nhà mình kể cho mấy đứa bạn trong “nhóm bạn thân” nghe, không ít bạn chưng hửng: “Giống dưới quê quá vậy! Hàng xóm láng giềng mà quan tâm lẫn nhau thì cuộc sống ở thành bớt đi nhiều sự “ngột ngạt””. Rồi có đứa kể khu nhà mình “mạnh ai nấy sống”, ít hỏi thăm, chuyện vãn cùng nhau. Thậm chí, có đứa lại bảo nhiều khi ở kế bên nhà mà còn không biết tên nhau nữa là,…
Phố luôn nhiều những câu chuyện thiếu sự quan tâm, chia sẻ giữa hàng xóm, láng giềng như vậy. Nên phố luôn bị hoài nghi về lòng tốt giữa người với người. Không ít nhà mạnh ai nấy sống. Không ít người “sống nhà mình chỉ biết chuyện nhà mình”.
Thế nhưng, trong cuộc sống không phải lúc nào ta cũng ở bên gia đình, người thân để được yêu thương, che chở- nhất là với những người xa quê, xa xứ. Và, không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta đã đúc kết: “Bà con xa không qua láng giềng gần”.
Tình làng nghĩa xóm rất là quan trọng. Vậy nên, sống gần nhau phải gắn kết, quan tâm giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau. Nhưng để có được tình làng nghĩa xóm đúng nghĩa cũng không phải dễ nếu chúng ta không có một quan niệm sống mình vì mọi người, mọi người vì mình từ những điều đơn giản nhất.
Dù bình dị nhưng vô cùng ấm áp khi phố đậm tình nghĩa xóm giềng!
NHƯ Ý