Đừng tạo áp lực cho con!

07:09, 16/09/2023

Thực tế cho thấy nhiều phụ huynh chưa biết rõ năng lực, sở trường của con nhưng vì "sĩ diện" mà bắt trẻ phải làm theo ý của mình. Điều này vô tình tạo nên áp lực không đáng có cho con.

Thực tế cho thấy nhiều phụ huynh chưa biết rõ năng lực, sở trường của con nhưng vì “sĩ diện” mà bắt trẻ phải làm theo ý của mình. Điều này vô tình tạo nên áp lực không đáng có cho con.

Điển hình như việc học của con, nhiều phụ huynh chọn trường cho con học, rồi bắt trẻ đi học thêm chỗ này, chỗ nọ. Mục đích là muốn con mình phải học giỏi, không thua kém bạn bè cùng trang lứa.

Tôi có một đứa cháu ở quê, năm nay học lớp 12. Vừa qua, tôi về quê chơi, cháu than vãn với tôi rằng: Mới đầu năm học mà cha mẹ con đã bắt con đi đăng ký học thêm rất nhiều môn Toán, Hóa, Sinh, Tiếng Anh… Cha bảo: “Cha mẹ làm bên ngành y. Cho nên con phải cố gắng học để nối nghiệp cha mẹ”. Nói tới đây, con bé thở dài ngao ngán: “Thật tình con không thích học bên y. Con chỉ thích học sư phạm thôi. Nhưng cha mẹ con không cho. Hàng ngày, ngoài học chính khóa ở trường, con phải “chạy sô” đi học thêm. Học để cha mẹ con vui chớ thật tình con rất đuối!”.

Nghe con bé nói, tôi sực nhớ đến một gia đình ở trong xóm. Hai vợ chồng có đứa con năm nay vào lớp 1. Mới vào học được có mấy ngày, hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo tìm chỗ gửi trẻ đi học thêm. Thằng bé học ở trường 2 buổi sáng, chiều. Buổi chiều tan học, vừa về tới nhà, tắm rửa, thay đồ xong lại được cha chở đi học thêm. Bởi theo anh, có như vậy con mình mới bằng bạn, bằng bè.

Bất kể cha mẹ nào cũng vậy, ai không muốn con mình học giỏi, sau này trở thành người hữu ích cho xã hội. Tuy nhiên, có điều mà chúng ta nên nhớ là đối với việc học tập của trẻ, là học cho chính bản thân các em chớ không phải học cho cha mẹ, những người thân trong gia đình. Chính các em mới biết rõ được mình có sở trường gì, ước muốn gì và muốn làm gì. Cha mẹ, người thân chỉ nên hỗ trợ cho sự phát triển năng lực của con. Nếu yếu tố phụ ấy thích hợp thì sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho con phát triển toàn diện. Ngược lại, sẽ tạo nên tác dụng phụ, gây ảnh hưởng không tốt đến việc học tập của con về sau.

Có thể nói, quan tâm đến việc học hành của con là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ cần xác định rõ năng lực, sở trường của con; phải tìm hiểu con suy nghĩ, ước muốn gì để có sự quan tâm kịp thời và thích hợp. Có như vậy mới tạo khích thích, động lực cho con phát triển toàn diện.

Thực tế, có nhiều đứa trẻ không đi học thêm vẫn học giỏi. Ngoài một số em có năng lực bẩm sinh, còn lại do các em chọn phương pháp học đúng cách, kết hợp với sự hỗ trợ đắc lực từ phía gia đình. Do đó, vai trò của gia đình là rất quan trọng trong việc học tập của trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh không nên áp đặt, bắt trẻ làm theo ý của mình để rồi kết quả thu lại không như mong muốn.

NGUYỄN VĂN DÔ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh