Cần thiết duy trì và nâng chất lượng hoạt động trung tâm học tập cộng đồng

10:09, 27/09/2023

Toàn huyện Vũng Liêm hiện có 13 trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) và 7 trung tâm văn hóa và HTCĐ thuộc các xã NTM theo Quyết định số 2053 của UBND tỉnh Vĩnh Long. 

Toàn huyện Vũng Liêm hiện có 13 trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) và 7 trung tâm văn hóa và HTCĐ thuộc các xã NTM theo Quyết định số 2053 của UBND tỉnh Vĩnh Long. Nhìn chung, các trung tâm này ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong việc góp phần nâng cao dân trí và có tác động tích cực đối với đời sống kinh tế- xã hội của địa phương. Do đó, việc duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm HTCĐ là cần thiết.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Vũng Liêm, năm học 2022-2023, ngành tích cực thực hiện công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí và nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống của các tầng lớp Nhân dân.

Các trung tâm đã mở được 107 lớp bồi dưỡng, truyền tải kiến thức trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học đời sống, văn hóa, xã hội, sức khỏe cộng đồng. Qua đó, thu hút trên 8.500 lượt người tham gia học tập. Tùy tình hình mỗi địa phương, các trung tâm HTCĐ phối hợp với ban, ngành, đoàn thể có liên quan chia sẻ các kiến thức hữu ích, thiết thực để người dân có thể nắm bắt và vận dụng.

Bên cạnh, các trung tâm còn báo cáo thời sự, chính trị, trao đổi, phổ biến các chế độ, chính sách của Ðảng, Nhà nước; chủ trương của các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị, xã hội; thảo luận những chương trình công tác sắp triển khai của địa phương theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Qua đánh giá chất lượng hoạt động “Cộng đồng học tập cấp xã”, 20/20 trung tâm đạt loại tốt.

Nhận thức rõ chức năng nhiệm vụ và vị trí của trung tâm HTCĐ, thời gian qua, huyện Vũng Liêm luôn quan tâm chỉ đạo việc tổ chức và thực hiện có hiệu quả các trung tâm này. Hiện 100% trung tâm HTCĐ có tủ sách riêng, bố trí máy tính kết nối internet phục vụ nhu cầu tìm hiểu kiến thức người học đáp ứng với sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, thực tế trong công tác tổ chức, quản lý tại các trung tâm HTCĐ còn bộc lộ nhiều hạn chế như đội ngũ cán bộ quản lý thường xuyên thay đổi; nội dung chuyên đề đôi lúc chưa đáp ứng nhu cầu người học; việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin tại một số địa phương còn hạn chế; kinh phí cho hoạt động còn hạn hẹp.

Cụ thể, theo Thông tư 96/2008/TT-BTC ngày 27/10/2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các trung tâm HTCĐ thì hỗ trợ kinh phí chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ tham gia vào công tác quản lý trung tâm; mức trả phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ tham gia vào công tác quản lý trung tâm do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định tùy thuộc vào điều kiện kinh tế- xã hội, khả năng ngân sách của địa phương. Mức hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên tùy theo các xã thuộc khu vực I, II, III có mức từ 20-25 triệu/năm/trung tâm.

Cán bộ của trung tâm HTCĐ đều làm việc kiêm nhiệm hay thay đổi vị trí công tác và chưa được trang bị kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để quản lý điều hành mô hình trung tâm HTCĐ. Các trung tâm HTCĐ không có giáo viên chuyên trách, phải sử dụng đội ngũ báo cáo viên từ các đơn vị phối hợp tổ chức các hoạt động cho nên gặp khó khăn trong công tác điều hành và quản lý chỉ đạo.

Từ những bất cập trên, thiết nghĩ cần sớm có cơ chế phù hợp để giải quyết khó khăn, trở ngại trong quá trình quản lý hoạt động của các trung tâm HTCĐ; tăng cường nguồn lực để tổ chức và duy trì hoạt động của trung tâm. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của trung tâm HTCĐ trong phong trào học tập suốt đời tại mỗi địa phương; tăng cường khung pháp lý và các chính sách phù hợp để duy trì, củng cố trung tâm HTCĐ.

PHƯƠNG MI

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh