Dioxin và nỗi đau dài trăm năm

10:08, 15/08/2023

Khoảng thời gian dài hơn 15 năm làm công tác hướng dẫn cho du khách Nhật Bản, tôi không nhớ bao nhiêu lần mình đã đưa bao nhiêu đoàn khách ghé thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh). 

Tự điển Katakana của Nhật Bản phát hành năm 1996, tái bản năm 1999, có phần giải nghĩa về từ chất độc da cam/dioxin.
Tự điển Katakana của Nhật Bản phát hành năm 1996, tái bản năm 1999, có phần giải nghĩa về từ chất độc da cam/dioxin.

Khoảng thời gian dài hơn 15 năm làm công tác hướng dẫn cho du khách Nhật Bản, tôi không nhớ bao nhiêu lần mình đã đưa bao nhiêu đoàn khách ghé thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh). Đó thực sự là những ám ảnh khủng khiếp của bản thân cũng như chứng kiến những phản ứng sốc của nhiều du khách Nhật Bản.

Nhiều hiện vật trưng bày riêng về mảng chất độc da cam/dioxin; trong đó, đặc biệt những hình hài dị dạng, quái thai là những bằng chứng tội ác kinh hoàng của hành động rải chất kịch độc này xuống nhiều nơi trên đất nước Việt Nam.

Hình ảnh về những cánh rừng, đồng ruộng khi bị rải chất độc này trở nên trơ trụi và được chú thích rằng: Khi chất độc này ngấm vào đất, thì ảnh hưởng của nó kéo dài đến hàng trăm năm sau. Rất nhiều du khách Nhật Bản bật khóc, có người bỏ ra ngoài ngay lập tức, người rú lên, sau đó có người bỏ cả bữa ăn. Họ cho rằng không tin được trên đời có những chất độc gây nên ảnh hưởng kinh hoàng và dai dẳng như thế này.

Tháng 8 hàng năm cũng là những ngày Nhật Bản kỷ niệm về 2 quả bom nguyên tử do quân đội Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Tôi nhớ lại những cuộc trò chuyện cùng thầy Ishida là giảng viên về văn hóa của Trường ĐH Waseda, thầy là thế hệ thứ ba ảnh hưởng sự kiện chiến tranh này, mà ông nội, bà nội của thầy Ishida là nạn nhân trực tiếp khi quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki.

Tôi kể với thầy về cuộc chiến tranh Việt Nam nó còn thực sự khủng khiếp, nhất là chất độc da cam/dioxin, dù không thể so sánh nỗi đau nào là lớn hơn được, khi bom đạn, chất độc làm giàu cho các “cá mập”- các tập đoàn chế tạo và buôn bán vũ khí, làm giàu trên nỗi đau của các nạn nhân chiến tranh. Thầy Ishida nói: “Nhật Bản và Việt Nam, hai dân tộc có cùng nỗi buồn chiến tranh”. Chiến tranh thì không thể có lý do nào để ngụy giải được, nó là kẻ thù chung của loài người.

Nói về chất độc da cam/dioxin, thầy Ishida giải thích cho tôi bằng “Tự điển katakana” của Nhật Bản phát hành năm 1996, tái bản năm 1999, có ghi như sau: “Đó là chất kịch độc nguy hiểm nhất mà loài người tạo ra cho đến thời điểm này.

Chất kịch độc này đã được quân đội Mỹ rải một lượng rất lớn xuống đất nước Việt Nam trong cuộc chiến tranh. Tác hại của nó thực sự kinh khủng, gây nên những hậu quả nặng nề ở thai nhi và những ảnh hưởng khôn lường dai dẳng cho người lớn. Hậu chiến, những người lính Mỹ cũng bị những bệnh di chứng do ảnh hưởng bởi chất độc này”.

60 năm kể từ ngày quân đội Mỹ tiến hành những chuyến bay đầu tiên rải “chất diệt cỏ” hay “chất khai quang” xuống đất nước Việt Nam, nỗi đau vẫn còn đó. Tiếng nói của lương tâm loài người vẫn tiếp tục lên án và đòi lại công bằng cho những nạn nhân. Tội ác bắt đầu từ những “đơn hàng” và những kẻ sản xuất, cho đến những ai trực tiếp rải chất độc đó trong chiến tranh. Không ai có thể nhân danh bất cứ điều gì để lập lại tội ác như thế ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh