Cầu giao thông, cống thủy lợi ngày càng được xây dựng nhiều là điều đáng mừng vì tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, việc đặt tên cầu giao thông, cống thủy lợi ở một số nơi trong tỉnh hiện còn tùy tiện, tên chưa đúng, chưa đẹp.
Cầu Thái Quan thuộc xã Long An (Long Hồ) trên ĐT909 trước đây, nay được đổi lại tên đúng là cầu Thông Quan. Ảnh tư liệu |
Cầu giao thông, cống thủy lợi ngày càng được xây dựng nhiều là điều đáng mừng vì tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, việc đặt tên cầu giao thông, cống thủy lợi ở một số nơi trong tỉnh hiện còn tùy tiện, tên chưa đúng, chưa đẹp.
Thông thường, tên của cầu giao thông được đặt theo dạng tên cầu trùng với tên kinh, sông, rạch bắc qua, theo tên của địa phương, địa danh, tên người, theo kết cấu, kiến trúc… Tuy nhiên, thời gian qua có một số cầu được đặt tên, đổi tên sau khi được xây dựng mới hoặc được nâng cấp gây phản cảm cho người đi đường, nhất là hộ dân, chính quyền sở tại.
Chẳng hạn như, trước đây có cầu Trà Và ở TX Bình Minh trong dự án cầu Cần Thơ, tên “Trà Và” không có ý nghĩa gì, vì cầu bắc qua con kinh có tên được gọi từ lâu là kinh Chà Và. Còn ở Phường 8, TP Vĩnh Long có 2 cầu trùng tên là cầu Tân Hữu…
Và có một số cầu có tên “khô cứng” bởi được gắn theo sau đó bằng những con số như cầu Số 1, Số 2, Số 3… trên ĐT908; cầu Số 6, Số 8, Số 9 trên ĐT903… phải chi lấy tên những danh nhân, anh hùng liệt sĩ hoặc địa danh gần đó để đặt tên cho cầu thì hay biết mấy!
Về tên cống thủy lợi, hộ dân ở gần công trình cũng đã phản ánh, có một số cống mang tên người mà người đó không có tiếng tăm, danh phận, không có đóng góp gì ở địa phương, thậm chí còn có đạo đức không tốt… Chẳng hạn như cống Hai Rùa ở xã Trung An (Vũng Liêm), cống Sáu Mập ở huyện Trà Ôn…
Nguyên nhân sâu xa của việc đặt tên, sửa tên cầu, cống thủy lợi không đúng, không đẹp là do thiếu chú trọng đến việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về đặt tên, đổi tên những công trình từ khâu khảo sát, thiết kế, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.
Việc tham vấn hoặc không tiếp thu ý kiến đóng góp của chính quyền địa phương, của hộ dân, của các nhà nghiên cứu… không được quan tâm. Đến khi xây dựng xong, cắm biển báo cầu, cống thì dư luận lên tiếng, mới lật đật sửa, đổi lại.
Hiện, có nhiều văn bản quy định về việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng… do Trung ương ban hành, như: Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng…
Ở Vĩnh Long, ngày 19/7/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-UBND quy định đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh, quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2023.
Hạ tầng kỹ thuật (gồm công trình điện, cầu, đường, trường, trạm…) có tuổi thọ lâu dài, là bộ mặt của địa phương, của quốc gia. Đường thông, hè thoáng, cầu, cống có tên đúng, tên đẹp, tên có ý nghĩa là biểu hiện nét văn hóa, văn minh của địa phương.
Vì vậy, thiết nghĩ ngành chức năng trong tỉnh và các chủ dự án đầu tư xây dựng công trình cần quan tâm đến các quy định về đặt tên cầu, cống nói riêng và hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng nói chung, để các công trình khi xây dựng lên vừa đẹp về hình thức lẫn tên gọi, góp phần xây dựng tỉnh Vĩnh Long văn minh, hiện đại.
Bài, ảnh: MINH HÒA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin