Để xây dựng thành công vùng lúa chất lượng cao

03:07, 25/07/2023

Bộ Nông nghiệp-PTNT đang xây dựng Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2030. Tham gia đề án này, theo kế hoạch ban đầu, tỉnh Vĩnh Long đăng ký thực hiện 20.000ha trên địa bàn các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Long Hồ và Bình Tân. Nếu thành công, thì đây là bước tiến mới của ngành trồng lúa nước ở vùng ĐBSCL và của tỉnh Vĩnh Long.

 

 

Doanh nghiệp và nông dân, HTX cần liên kết thực chất, hiệu quả trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bền vững.
Doanh nghiệp và nông dân, HTX cần liên kết thực chất, hiệu quả trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bền vững.

Bộ Nông nghiệp-PTNT đang xây dựng Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2030.

Tham gia đề án này, theo kế hoạch ban đầu, tỉnh Vĩnh Long đăng ký thực hiện 20.000ha trên địa bàn các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Long Hồ và Bình Tân. Nếu thành công, thì đây là bước tiến mới của ngành trồng lúa nước ở vùng ĐBSCL và của tỉnh Vĩnh Long.

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, về hình thức thì mô hình trồng lúa trong đề án có nhiều điểm tương đồng với mô hình “cánh đồng mẫu lớn” hay “cánh đồng lớn”, tức là cũng cần diện tích trồng lúa rộng, có thủy lợi đảm bảo tưới, tiêu, có áp dụng các biện pháp canh tác lúa tiên tiến (như sử dụng giống lúa chất lượng cao, đáp ứng xuất khẩu, áp dụng biện pháp “3 giảm- 3 tăng”, 1 phải- 5 giảm”, sản xuất lúa bền vững SRP,…), có liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các tổ chức HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nhưng điểm khác biệt lớn của đề án lần này là nông dân phải liên kết trong HTX để áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ số, cơ giới hóa đồng bộ… nhằm giảm phát thải khí nhà kính có thể định lượng và quy thành tín chỉ carbon theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế, tạo ra giá trị về chất lượng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và tăng trưởng xanh cho địa phương. Đồng thời có vai trò tiên phong, quan trọng của doanh nghiệp hình thành nên liên kết dọc trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.

Tuy nhiên, nhìn lại việc sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cho thấy, có rất nhiều mô hình, dự án sản xuất lúa chất lượng cao đã được triển khai nhưng không bền vững. Gần đây nhất là mô hình “cánh đồng mẫu lớn” hay “cánh đồng lớn” xây dựng từ năm 2010, có thời điểm mở rộng đến hàng chục ngàn hecta.

Chính quyền, ngành chức năng, nông dân cũng đã kỳ vọng “làm ăn lớn” từ mô hình này, doanh nghiệp và nông dân cũng ký kết với nhau trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa, nhưng cuối cùng các bên tự “bẻ kèo lẫn nhau”. Do gắn kết lỏng lẻo, nên dần dần mô hình “teo tóp dần”, không đạt mục tiêu đề ra và không đáp ứng kỳ vọng của nhiều nông dân, của nhà quản lý. Đến nay, nhiều nơi trong tỉnh, năng suất, chất lượng lúa có nâng lên nhưng chậm, thu nhập của nông dân tăng không nhiều.

Từ thực tế trên, để tổ chức thực hiện thành công đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thì ngành chức năng, chính quyền các nơi cần đặc biệt chú trọng đến sự hợp tác, liên kết trong sản xuất lúa, mà phải liên kết thực chất và hiệu quả, có ràng buộc về mặt pháp lý cụ thể trong hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân, HTX, tránh đi vào vết xe đổ như giai đoạn trước. Đây có thể coi là yếu tố quyết định cho thành bại của mô hình này.

Nhưng trước tiên, các cơ quan quản lý nhà nước phải tổ chức liên kết nông dân theo hình thức hợp tác (tổ hợp tác, HTX) và hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các tổ chức này nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản xuất- tiêu thụ lúa gạo bền vững.

Bài, ảnh: MINH HÒA

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh