Từ đầu mùa mưa đến nay, tại các khu đất hai bên đầu cầu Cái Cam 2 cũng như trên các thửa đất chưa xây dựng trên đường Võ Văn Kiệt (Phường 9, TP Vĩnh Long), xuất hiện cây mai dương mọc nhiều, phủ xanh ven đường, có chiều cao trên 1,5-2m.
Cây mai dương mọc xanh um ven đường Võ Văn Kiệt, Phường 9, TP Vĩnh Long. |
(VLO) Từ đầu mùa mưa đến nay, tại các khu đất hai bên đầu cầu Cái Cam 2 cũng như trên các thửa đất chưa xây dựng trên đường Võ Văn Kiệt (Phường 9, TP Vĩnh Long), xuất hiện cây mai dương mọc nhiều, phủ xanh ven đường, có chiều cao trên 1,5-2m.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, cây mai dương hay còn gọi trinh nữ nâu, trinh nữ đầm lầy (Mimosa pigra) là một loài thực vật thuộc chi trinh nữ, phân họ trinh nữ của họ đậu. Loài này có nguồn gốc vùng nhiệt đới Nam Mỹ, những năm gần đây xuất hiện nhiều ở nước ta.
Đây là loại cây bụi, đa niên, thường mọc ở nơi đất trống, ẩm ướt, có khả năng mọc nhanh sau khi bị chặt hạ.
Cây có thể cao đến 4m, phân thành nhiều nhánh, thân và cành có nhiều gai nhọn, khi tươi rất giòn nhưng khi khô lại rất dai và cứng, khó đốt cháy. Khu vực bị cây này xâm lấn thì cây cỏ nội địa khác khó cạnh tranh và bị tiêu diệt dần.
Sự xuất hiện và xâm lấn của cây mai dương đang trở thành mối nguy hại đối với những vùng đất ven sông, lề đường, mà chúng mọc ở đâu thì hệ thực vật ở đó sẽ bị tiêu diệt, sâu bọ không ăn được lá, chim chóc không dám đậu, động vật không dám tới gần.
Bên cạnh đó, cây mai dương còn làm cho đất nghèo dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật do cây chứa chất mimosin (loại acid amin có thể gây độc với nhiều loại thực vật).
Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước… Cây còn có chứa hợp chất gây ngứa: tinh dầu thực vật urushiol. Loại dầu này rất độc, thường bay trong không khí và đọng lại trên cây cỏ,…
Mai dương là loại cây dại, có sức sống mãnh liệt, phát tán nhanh qua hạt, đặc biệt có khả năng tái sinh bằng thân và gốc là rất lớn. Nếu người dân chặt cây mẹ đốt thì từ gốc của cây mẹ sẽ tái sinh 4-5 chồi non; hạt nếu bị đốt sẽ nẩy mầm với mật độ từ 15-120 cây/m2.
Cây mai dương có khả năng xâm lấn mãnh liệt, đặc biệt tăng trưởng rất nhanh về chiều cao và tốc độ 1cm/ngày, có thể ra hoa đậu trái sau 6 tháng. Trung bình 1 cây mai dương ra hoa 12 lần/năm, mỗi lần sản sinh từ 6.000-9.000 hạt với cấp số nhân, tỷ lệ nảy mầm rất cao.
Hạt của cây mai dương có lớp lông để bám có thể nổi trên mặt nước, dễ lan ra trên diện tích rộng trong mùa mưa lũ, đặc biệt hạt nếu luộc sôi, hoặc đốt vẫn có thể nảy mầm, trong khoảng 20 năm vẫn mọc cây.
Với những đặc tính gây hại như vậy, từ năm 2000, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế đã xếp cây mai dương là 1 trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Theo Viện BVTV (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), có 3 biện pháp cơ bản để diệt cây mai dương là thủ công, hóa học và sinh học; trong đó biện pháp sinh học đã được tiến hành ở Úc, Thái Lan… như thả mọt đục hạt, sâu đục thân, đục ngọn cây, nhưng đến nay, ở nước ta chưa được áp dụng.
Còn theo nghiên cứu của Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), có 5 loại hóa chất diệt cây mai dương thích hợp theo từng chu kỳ sinh trưởng gồm: glyphosate, truyclopyr, paraquat, metsulfuronmethyl và 2,4D.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, hạt của cây mai dương rơi xuống, theo nước trôi tới đâu trụ lại sẽ mọc cây tới đó. Do vậy, cần phải tiêu diệt chúng trước khi già và trước mùa mưa để hạn chế sự nảy mầm, sinh sôi. Cần thiết có thể sử dụng hóa chất với nồng độ cho phép.
Thiết nghĩ, nếu không tiêu diệt ngay và có giải pháp căn cơ đối với cây mai dương ở Phường 9 cũng như một số địa phương khác kịp thời, thì với số lượng như hiện nay, trong thời gian tới chúng sẽ lan rộng thì càng khó tiêu diệt và nguy hại cho môi trường hơn.
Bài, ảnh: HOÀNG VIỆT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin