Để trồng cây không phải kêu "giải cứu"

Cập nhật, 11:36, Thứ Ba, 14/02/2023 (GMT+7)
Tuy lợi nhuận không cao nhưng trồng lúa cho thu nhập đều đều, lúa làm ra không tồn đọng.
Tuy lợi nhuận không cao nhưng trồng lúa cho thu nhập đều đều, lúa làm ra không tồn đọng.

(VLO) Mấy ngày qua, giá cam sành lao dốc, nhiều nhà vườn ở Trà Ôn, Vũng Liêm, Tam Bình lao đao, kêu “giải cứu”. Đây là loại cây kêu cứu kế sau cây khoai lang, dừa, mít trong 3 năm gần đây, kể từ năm 2020.

Đem chuyện cam sành kêu “giải cứu” bàn với một anh bạn gần 60 tuổi đang làm ruộng ở xã Hiếu Thuận (huyện Vũng Liêm), anh đưa ra kết luận chắc nịch: “Coi vậy mà trồng lúa, rau cải chắc ăn hơn trồng cam, khoai lang hay các loại cây trồng cao cấp khác.

Vì trồng lúa, tuy lời không nhiều nhưng bù lại nông dân không đầu tư công sức nhiều, chi phí sản xuất cũng không lớn, nhàn rỗi hơn.

Đối với hộ có ruộng ở gần nhà thì có thể trồng xen trên đất lúa 1 - 2 vụ rau cải, nuôi tôm, cá hoặc làm công việc khác (như làm mướn, kinh doanh, dịch vụ) để có thêm thu nhập.

Còn hộ có điều kiện, có kiến thức có thể làm lúa giống cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa thường. Và đặc biệt là từ trước đến giờ, đâu có chuyện người trồng lúa kêu “giải cứu”, lúa hột sản xuất ra bán được hết, xuất khẩu cũng được; nông dân có lợi mà Nhà nước, doanh nghiệp cũng thêm ngoại tệ.

Và trồng rau màu (trừ các loại khoai, dưa hấu) cũng vậy, tuy có đầu tư nhiều công lao động hơn trồng lúa, nhưng nông dân thu lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần, sản phẩm rau cải làm ra được tiêu thụ hết!”.

Từ câu chuyện trên cho thấy, đối với nông dân mình, trước khi muốn đầu tư trồng một loại cây, con hay phát triển một mô hình sản xuất nông, thủy sản nào đó thì cần nghiên cứu kỹ thị trường đầu ra, có hợp đồng, liên kết chặt chẽ với nơi tiêu thụ (HTX, doanh nghiệp…), tránh làm theo phong trào tự phát, không theo quy hoạch, không rõ đầu ra… thì có ngày sẽ kêu “giải cứu”.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG