Cần phát động phong trào diệt chuột ở đô thị

02:02, 08/02/2023

Chuột là động vật có hại nhiều hơn có lợi. Ở nông thôn, chuột phá hoại mùa màng gây thiệt hại lớn cho nông dân. Còn ở thành thị, chuột (số đông là chuột cống) là tác nhân gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm và phá hoại những công trình công cộng.

Nông dân ở Vũng Liêm gài bẫy bắt chuột bảo vệ ruộng vườn.
Nông dân ở Vũng Liêm gài bẫy bắt chuột bảo vệ ruộng vườn.

(VLO) Chuột là động vật có hại nhiều hơn có lợi. Ở nông thôn, chuột phá hoại mùa màng gây thiệt hại lớn cho nông dân. Còn ở thành thị, chuột (số đông là chuột cống) là tác nhân gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm và phá hoại những công trình công cộng.

Theo các chuyên gia, chuột truyền các bệnh như dịch hạch, bệnh vàng da, sốt do chuột cắn, virus bệnh đậu mùa, bệnh sán dây...

Chúng có thể gây thiệt hại cho các cấu trúc xây dựng vì thói quen gặm nhấm và ăn uống, như cắn đứt đường dây điện thoại, điện lực, cáp mạng, gây tắc cống do hoạt động đào hang.... ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt và sản xuất của con người.

Ngoài ra, chuột còn tạo mùi hôi cơ thể toát ra và làm mất mỹ quan đô thị. Khi chuột chết, xác của chúng bị phân hủy có mùi hôi gây ô nhiễm không khí.

Ở nông thôn trong tỉnh, từ nhiều năm qua, các huyện đã có tổ chức phát động phong trào diệt chuột bảo vệ mùa màng, thường là ngay sau khi thu hoạch lúa trong mùa khô, tức ở vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu.

Trong đó, Vũng Liêm là địa phương có phong trào diệt dịch hại trên cây trồng mạnh mẽ nhất trong tỉnh. Mỗi năm, nông dân của huyện này bắt và diệt từ 140.000 - 150.000 con chuột, nhờ đó, nông dân giảm bớt thiệt hại.

Tuy nhiên, ở các đô thị thì hiện chưa thấy chính quyền tổ chức phong trào như vậy. Việc diệt chuột ở đây chủ yếu là do số ít hộ tự phát làm để bảo vệ khu nhà, cơ sở sản xuất, kinh doanh của họ.

Do đó, số lượng chuột trong tự nhiên hiện còn rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên người từ chuột gây ra.

Vì vậy, để hạn chế sự phát triển và tác hại của loài động vật này, chính quyền ở các đô thị trong tỉnh cần phối hợp với các sở, ngành chuyên môn, có liên quan (như y tế, tài nguyên - môi trường, giáo dục - đào tạo, Đoàn thanh niên, quân sự,…) phát động phong trào diệt chuột.

Huy động tối đa các nguồn lực và biện pháp diệt chuột tiên tiến, hiệu quả nhất. Trước mắt, nên thí điểm làm trong khu vực nhỏ (tổ dân phố, khu dân cư…), sau đó nhân rộng để phong trào đạt kết quả cao và nên tổ chức thực hiện phong trào thường xuyên.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh