Phải lòng câu chuyện truyền thanh

11:09, 14/09/2022

Nhớ lại ngày xưa ở quê, "phương tiện giải trí" của gia đình tôi chỉ có chiếc radio cũ kỹ. Những ai thuộc thế hệ 6X như tôi chắc cũng đã từng nghe chương trình nông thôn qua câu chuyện truyền thanh Gia đình bác Tám.

(VLO) Nhớ lại ngày xưa ở quê, “phương tiện giải trí” của gia đình tôi chỉ có chiếc radio cũ kỹ. Những ai thuộc thế hệ 6X như tôi chắc cũng đã từng nghe chương trình nông thôn qua câu chuyện truyền thanh Gia đình bác Tám.

Tôi còn nhớ rất rõ nhạc hiệu của chương trình với các nhân vật: Ông Tám, bà Tám, hai người con là cô Hiền, anh Lành và hai nhân vật cá tính luôn khắc khẩu nhau là bà Năm Trầu và ông Chín Đờn Cò.

Ngày nay, câu chuyện truyền thanh không chỉ gói gọn về đề tài nông thôn mà còn đề cập mọi lĩnh vực trong đời sống, rất phong phú, rất đa dạng.

Từ lúc nghỉ hưu, cứ 5 giờ 15 phút hàng ngày tôi đều đón nghe tiết mục Câu chuyện truyền thanh của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long.

Dù chỉ 15 phút phát sóng, nhưng Câu chuyện truyền thanh vẫn chuyển tải trọn vẹn thông điệp đến thính giả, thu hút được người nghe thuộc nhiều lứa tuổi và trình độ khác nhau.

Với tôi, đây là một chương trình rất bổ ích, vừa có tính báo chí vừa có tính văn nghệ, còn là một “kênh” tuyên truyền rất hiệu quả những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phê phán những thói hư tật xấu, đề cao tình làng nghĩa xóm, phản ánh các mặt đời sống xã hội.

Qua đây, những thông điệp đã được cụ thể hóa bằng kịch bản có ngữ cảnh, nhân vật, lời thoại làm cho người nghe cảm thấy gần gũi và dễ dàng tiếp nhận thông tin mà câu chuyện mang đến.

Để tạo thông điệp truyền thông hiệu quả, điều trước tiên là cốt truyện phải hay, cô đọng, giàu cảm xúc; diễn viên thể hiện tốt, dàn dựng sinh động… từ đó, tạo nên một câu chuyện hấp dẫn, thu hút nhiều người nghe và càng đạt hiệu quả truyền thông.

Và nếu tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, cũng không nên đưa quá nhiều thông tin (điều, khoản) trong một câu chuyện. Vì làm cho người nghe khó nắm bắt, khó nhớ và diễn viên cũng khó diễn đạt.

Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long phát câu chuyện truyền thanh hàng ngày, mỗi ngày một câu chuyện mới.

Có nhiều tác phẩm được đầu tư nghiêm túc, đạt chất lượng từ kịch bản đến diễn xuất. Tại Liên hoan Phát thanh- Truyền hình lần thứ XV vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đạt giải thưởng ở cả hai thể loại Kịch truyền thanh (HCB) và Câu chuyện truyền thanh (HCĐ).

Tôi là người yêu thích báo chí nhưng vì nhiều lý do, tôi không thực hiện được ước mơ của mình, nên tôi chỉ là độc giả trung thành. Khi về hưu rảnh rỗi, tôi đọc báo rất nhiều, rồi bắt đầu làm quen với viết lách bằng cách tìm một mảng nào đó nhẹ nhàng, phù hợp với tuổi tác của mình.

Một ý tưởng “khởi nghiệp” hình thành, tôi đã thử viết câu chuyện truyền thanh và gửi bài cộng tác. Mong rằng “Câu chuyện truyền thanh” ngày càng có nhiều câu chuyện hay, truyền cảm hứng để mọi người sống tốt hơn mỗi ngày.

THANH HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh