Tôi có một đứa em gái con dì. Cách đây mấy năm khi chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT (và cũng là thi tuyển sinh vào ĐH), dì tôi bắt con gái phải đăng ký vào học ngành du lịch. Bởi theo ý của dì, học du lịch thì công việc nhẹ nhàng phù hợp với con gái, ra trường dễ xin việc, thu nhập cũng khá. Nhưng con gái dì tôi không thích học ngành du lịch mà muốn học báo chí.
Tôi có một đứa em gái con dì. Cách đây mấy năm khi chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT (và cũng là thi tuyển sinh vào ĐH), dì tôi bắt con gái phải đăng ký vào học ngành du lịch. Bởi theo ý của dì, học du lịch thì công việc nhẹ nhàng phù hợp với con gái, ra trường dễ xin việc, thu nhập cũng khá. Nhưng con gái dì tôi không thích học ngành du lịch mà muốn học báo chí.
Khi điểm thi tốt nghiệp THPT được công bố, em tôi dư điểm xét tuyển vào khoa du lịch lẫn khoa báo chí của một trường ĐH. Em tôi có ý định nộp hồ sơ để vào học khoa báo chí, nhưng vì dì tôi gây áp lực quá lớn, thậm chí còn chửi mắng và nói sẽ... “từ” nếu con gái không nghe lời.
Tôi có góp ý với dì để cho đứa em học theo chuyên ngành mà nó thích. Nhưng dì vẫn không đồng ý. Thế là cô em họ đành học du lịch theo ý mẹ. Học gần 1 năm, từ một cô bé học giỏi suốt mấy cấp trung học, thi tuyển sinh đạt điểm cao ngất, vậy mà sức học của em đi xuống thấy rõ. Bằng chứng là rất nhiều học phần của các môn học bị thi lại liên miên. Chuyện cô em tôi học sa sút cũng là điều dễ hiểu, đó là hệ quả của sự bắt buộc từ cha mẹ...
Một gia đình hàng xóm của tôi cũng khăng khăng bắt ép con trai phải nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường giao thông với lý do là gia đình có người quen làm ở ngành giao thông vận tải, dễ bề nhờ vả để con mình có việc làm khi ra trường. Thế nhưng, con trai ông quyết không nghe theo, vì nó muốn học chuyên ngành công nghệ thông tin. Khi thuyết phục con không được, người cha “cấm vận” kinh tế. Người con trai đành phải chấp nhận chiều lòng theo ý cha. Vào học trường giao thông được 1 năm thì cậu con trai đã quyết chí ôn thi công nghệ thông tin. Năm kế tiếp, cậu ta đã bỏ dở trường giao thông đang học để thi vào trường mình yêu thích và đã đậu. Không nhận tiền tài trợ từ cha mẹ, cậu ta đã đi làm thêm để lấy tiền đóng học phí, tiền sinh hoạt và đã tách ra thuê trọ sống tự lập, mặc dù gia đình cậu ta cũng ở thành phố và thuộc diện khá giả…
Cha mẹ định hướng nghề nghiệp rồi bắt ép con cái học theo ngành nghề mình chọn không chỉ khiến các em không thích dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn, ức chế,... mà không ít cha mẹ cũng trở thành... “nạn nhân” với tác dụng ngược. Bởi nhiều em do bị bắt ép chọn học ngành mà cha mẹ chọn, khi ra trường ngành học đó khó xin việc, hoặc xin được việc nhưng lương không thể sống nổi…
Mong rằng các bậc phụ huynh chỉ nên đóng vai trò trợ giúp, cùng con tham khảo, bàn luận... trong việc hướng nghiệp cho con, để con toàn quyền quyết định việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình, chứ đừng nên lạm dụng quyền làm cha làm mẹ để áp đặt con.
BÍCH NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin