Cần trang bị áo phao cho khách qua phà

05:03, 11/03/2022

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có chuyến đi "phượt" bằng xe gắn máy từ TP Hồ Chí Minh tới một số tỉnh miền Tây sông nước. Khi qua những chuyến phà, chúng tôi thấy "nhà phà" không phát áo phao cho khách qua phà.

 

Khách qua phà hiếm khi mặc áo phao.
Khách qua phà hiếm khi mặc áo phao.

(VLO) Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có chuyến đi “phượt” bằng xe gắn máy từ TP Hồ Chí Minh tới một số tỉnh miền Tây sông nước. Khi qua những chuyến phà, chúng tôi thấy “nhà phà” không phát áo phao cho khách qua phà.

Khi chúng tôi qua phà An Hòa- Chợ Vàm, từ Tam Nông (Đồng Tháp) sang huyện Phú Tân (An Giang) trên tuyến QL30, người qua phà rất đông. Tôi hỏi một nữ hành khách đứng cạnh, chị cho biết mỗi ngày chị qua sông 2 lượt nhưng có thấy ai mặc áo phao đâu.

Khi qua bến phà Châu Giang, nối từ TX Tân Châu sang TP Châu Đốc (An Giang), chúng tôi cũng chứng kiến tình huống tương tự.

Một người bạn trong nhóm chúng tôi sinh ra và lớn lên tại TP Long Xuyên và từng rất nhiều lần đi đò, qua phà tại nhiều khu vực ở ĐBSCL, cũng đã kể cho tôi biết rằng khách đi phà, đò qua sông bấy lâu nay dường như đã bị “bỏ quên” việc trang bị phao, áo phao.

Phải chăng những chuyến phà ở miền sông nước này, việc đảm bảo an toàn trong vận chuyển hành khách bằng đường thủy chưa được quan tâm đúng mức?

Điều 27, Nghị định 132/2015/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thì nếu đi qua đò, qua phà mà không mặc áo phao hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách sang sông là vi phạm pháp luật.

Quy định rõ ràng là vậy, nhưng trong trường hợp hành khách qua sông mà không được trang bị phao và áo phao cứu sinh thì lỗi không phải ở khách, mà trách nhiệm chắc chắn thuộc về những nhà vận chuyển.

Chúng ta biết rằng, việc đảm bảo an toàn vận chuyển hành khách trên sông nước là không thể lơ là, chủ quan được bởi trước đây đã từng xảy ra rất nhiều các vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của.

Vụ lật ca nô làm chết 17 người vừa xảy ra là một ví dụ đau lòng. Vẫn biết rằng các tai nạn trên có thể tới từ nhiều nguyên nhân khác, thế nhưng một khi có áo phao và phao cứu sinh thì chắc chắn tỷ lệ sống sót của những hành khách gặp nạn sẽ cao hơn.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc trang bị áo phao và phao cứu sinh cho hành khách tại các cơ sở kinh doanh vận chuyển khách bằng đường thủy và cần phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để tạo sức nặng răn đe.

Bài, ảnh: ĐẶNG ĐỨC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh