Cần tinh tế trên từng bức ảnh đăng

04:08, 13/08/2021

Thời buổi công nghệ giúp mọi người kết nối, chia sẻ thông tin, thể hiện bản thân nhanh chóng, đa dạng. Ngoài vấn đề sử dụng mạng xã hội tránh vi phạm pháp luật thì một điều rất cần sự tinh tế trong dịch bệnh hiện nay có thể là: đăng tải hình ảnh những món ăn lên mạng xã hội.

 

Thời buổi công nghệ giúp mọi người kết nối, chia sẻ thông tin, thể hiện bản thân nhanh chóng, đa dạng. Ngoài vấn đề sử dụng mạng xã hội tránh vi phạm pháp luật thì một điều rất cần sự tinh tế trong dịch bệnh hiện nay có thể là: đăng tải hình ảnh những món ăn lên mạng xã hội.

Nhiều hình ảnh trên mạng xã hội thấy những món ăn ngon lành và sang chảnh được đăng... cho vui!?
Nhiều hình ảnh trên mạng xã hội thấy những món ăn ngon lành và sang chảnh được đăng... cho vui!?

Việc chia sẻ cảm xúc, các hoạt động của bản thân lên nền tảng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok... từ lâu đã trở nên rất phổ biến, đến nỗi dường như là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dùng mạng. Từ các chuyến du lịch, học tập, vui chơi, sum họp gia đình, đến các món ăn từ khắp mọi vùng miền... Điều đó hết sức bình thường, thể hiện quyền tự do cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, trong mùa dịch COVID-19 khiến xã hội lao đao, thì việc đăng tải hình món ăn đủ đầy, cây trái xum xuê mang tính khoe mẽ thật thiếu tinh tế.

Chẳng là điều vi phạm, cũng không gây phiền hà trực tiếp đến ai. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở một góc độ khác, trong khi biết bao người đang cơ cực vì thất nghiệp, chén cơm manh áo trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng, phải chắt chiu từng hộp cơm từ thiện của các nhà hảo tâm thì việc có được bữa cơm với cá thịt hàng ngày là điều may mắn rất nhiều so với nhiều số phận. Và không nhất thiết phải phô trương sự sung túc đó lên mạng xã hội. Nhan nhản các tài khoản mạng đăng tải hình ảnh cây trái vườn nhà đủ đầy: chôm chôm, nhãn, ổi, các món gà, vịt, cá, tôm... Đi kèm đó là những dòng chữ ngụ ý: “Nhà không có gì ăn, chỉ có bao nhiêu đây thôi”; “Không ăn cơm nổi, chỉ còn cách ăn mì” (đăng tải hình ảnh tô mì có rau, thịt và con tôm to); hay bắt cá, đuổi gà...

Cũng trên mạng xã hội, bên cạnh đó còn cơ man những hình ảnh đáng thương: cụ già còng lưng, em nhỏ đứng chờ nhận phần cơm từ thiện; nhiều gia đình mất việc, không còn tiền nong, phải đùm túm, dắt díu nhau về quê, hy vọng qua cơn bĩ cực, mừng như được hồi sinh khi dọc đường được mạnh thường quân gửi cho bọc bánh mì, vài trăm ngàn làm lộ phí; chàng trai nọ tưởng chừng gục ngã khi phải lem luốc đi bộ hàng trăm cây số về quê vì không thể gắng gượng thêm nữa, được người hảo tâm tặng chiếc xe máy, vừa vui vừa ngỡ tưởng chiêm bao; cũng hàng đoàn người về quê tránh dịch bệnh đã được “đón đường” dúi vào tay từng trái bắp, củ khoai luộc, chai nước mát,...

Dịch bệnh càng khó khăn thì những hành động chung tay giúp đỡ, gói ghém, chia sẻ đầy tình người ấy lại càng nồng ấm. Vậy nên chăng, những hình ảnh mang tính chia sẻ cuộc sống cá nhân đâu đó kia, nếu một khi thiếu sự tinh tế, đồng cảm, biết đâu trở nên lạc lõng!?

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh