Năm 2020, khi dịch COVID-19 đợt 1 bùng phát tại Việt Nam thì ngay lúc đó, giá khẩu trang cao ngất ngưởng. Thậm chí, dù giá quá cao nhưng cũng vẫn không có hàng để người dân mua sử dụng.
(VLO) Năm 2020, khi dịch COVID-19 đợt 1 bùng phát tại Việt Nam thì ngay lúc đó, giá khẩu trang cao ngất ngưởng. Thậm chí, dù giá quá cao nhưng cũng vẫn không có hàng để người dân mua sử dụng.
Nguyên nhân đến từ một số cơ sở sản xuất khẩu trang, nhà thuốc, tiểu thương găm hàng, đầu cơ trục lợi khiến cho bà con hoang mang, Nhà nước phải vào cuộc xử lý. Năm nay, 2021, khẩu trang y tế đã “hạ nhiệt” đúng với bản chất nhưng giá rau củ quả lại tăng đến chóng mặt.
Chỉ một mặt hàng thôi nhưng mỗi nơi có một mức giá khác nhau, làm giá thị trường địa phương loạn xạ cả lên. Điều đó khiến cho người dân ở những địa phương trong vùng dịch phải chấp nhận mua mặt hàng nhu yếu phẩm, rau củ với giá “trên trời” dù ai cũng đang trong hoàn cảnh khó khăn.
Lợi dụng dịch bệnh, người ta đưa ra đủ thứ lý do để nâng giá. Ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, giá các mặt hàng đều tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3- 4 lần nhưng vẫn “cháy” hàng. Thậm chí có một vài siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng tăng giá không thua gì chợ trời.
Cụ thể, ngày 12/7, bạn tôi có ghé cửa hàng BHX để mua rau củ. Thật sửng sốt khi bạn mua 2 trái bí xanh phải nói là bầm giập, héo queo, muốn hư hỏng nhưng lại có giá 72.700đ (50.000đ/kg, gấp đôi giá ngày thường).
Đồng ý rằng người tiêu dùng có quyền không mua khi quá đắt, nhưng việc để 2 trái bí gần hư lên kệ hàng thì liệu có gọi là “xanh”?
Đó là chưa nói, các siêu thị, cửa hàng tiện ích ra sức quảng cáo, đặt biển trước cửa rằng bán hàng bình ổn giá nhưng giá thực trên kệ hàng thì đi ngược lại.
Việc rau củ tăng giá chưa có hồi kết, một phần cũng bởi do người tiêu dùng rủ nhau đi mang cả siêu thị về nhà, mua chất đầy tủ lạnh.
Người giàu, khá thì họ mua nhiều thế, còn người nghèo chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra tiền trữ đồ ăn cả tháng đây?
Thế là người nghèo cắn răng mua theo ngày, nên việc đến sau không còn hàng là lẽ tất nhiên. Mà rất là lạ, tuy phía chính quyền địa phương đã trấn an rằng hàng hóa sẽ được cung cấp đầy đủ, bà con không nên gom hàng, nhưng vẫn còn nhiều người phớt lờ, ích kỷ vơ hết hàng làm người đến sau phải khổ.
Đồng ý rằng có tiền thì có quyền mua bao nhiêu món hàng tùy thích, nhưng trong mùa dịch này, nên có sự san sẻ, đồng cảm, yêu thương nhau để cùng vượt qua khó khăn. Trữ hàng chẳng những làm vật giá leo thang vì đầu cơ trục lợi, mà còn khiến vài mặt hàng bị hỏng vì để lâu.
Để giá cả rau, củ quả và một số mặt hàng nhu yếu phẩm không bị đầu cơ trục lợi, “vẽ giá” thì bản thân một số tiểu thương, siêu thị phải có tâm, đồng cam cộng khổ với khách hàng vượt qua mùa dịch. Dân vì dịch bệnh đã khó khăn lắm rồi, cần tương trợ hơn là “hét giá”.
Nếu phát hiện nơi đâu bán hàng giá quá cao so với quy định, niêm yết, người dân cần báo ngay với chính quyền địa phương, Cục Quản lý thị trường để kịp thời xử lý (thông qua đường dây nóng).
Ban quản lý thị trường cần thường xuyên kiểm tra, xử nghiêm khắc với những hành vi vi phạm trong việc bán hàng giá cao để người dân bớt khổ trong mùa dịch COVID-19.
NGUYỄN HOÀNG DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin