Sáng 4/4, 1 vụ cháy kinh hoàng nữa đã xảy ra ở Hà Nội. 4 người trong cùng 1 gia đình đã thiệt mạng. Đắng lòng hơn khi có 1 nạn nhân là phụ nữ mang thai và 1 em bé chỉ mới 10 tuổi.
(VLO) Sáng 4/4, 1 vụ cháy kinh hoàng nữa đã xảy ra ở Hà Nội. 4 người trong cùng 1 gia đình đã thiệt mạng. Đắng lòng hơn khi có 1 nạn nhân là phụ nữ mang thai và 1 em bé chỉ mới 10 tuổi.
Nhiều người đã nghĩ ra mọi cách để xây hoặc gia cố nhà cho thật chắc chắn nhưng chính sự chắc chắn theo kiểu “chuồng cọp” này đã bít luôn đường sống cho cả nhà một khi có cháy, nổ xảy ra. Và, vụ cháy này một lần nữa là cảnh báo điển hình cho lối kiến trúc nhà bít bùng như thế!
Vụ hỏa hoạn này thêm một lần nữa cho thấy, lối thoát “an toàn” khi xảy ra cháy, nổ chưa được người dân coi trọng trong xây dựng nhà. Khi xây nhà- nhất là nhà ở phố- vì lo ngại vấn đề an ninh nên người dân rất chú trọng đến sự chắc chắn- đặc biệt là ở cửa chính và cửa thông gió.
Chạy dọc theo những tuyến đường trong nội ô thành phố không khó để bắt gặp hình ảnh những căn nhà vừa kiên cố, vừa “kín như bưng”: hàng rào song sắt to, khít, bao trọn diện tích sân và hàn dính luôn với nhà; một lớp cửa chính vẫn chưa “yên tâm” nhiều nhà còn làm thêm lớp cửa kéo phụ bằng sắt.
Theo tôi, cẩn trọng là cần thiết. Nhưng, cẩn trọng, chắc chắn không nhất thiết là phải bít bùng.
Ở thành, đất chật, người đông đâu phải ai cũng có điều kiện để mua đất, cất nhà rộng rãi, thoáng mát có cửa hông, cửa hậu, cửa sổ. Nhưng, diện tích nhỏ không đồng nghĩa với việc chấp nhận “bít” hết chỉ chừa một cửa ra duy nhất là cửa chính.
Trường hợp phía sau nhà không có lối để chừa cửa thoát hiểm mà 2 bên là nhà hàng xóm thì bên cạnh việc lắp hàng rào, làm cửa chính kiên cố, chúng ta phải thiết kế những ô cửa sổ, cửa thông gió nho nhỏ ở ban công, ở mỗi tầng.
Những ô cửa này nên thiết kế ở dạng gài chốt kèm ổ khóa bên trong, để chìa khóa nơi dễ lấy, bên trong có thể mở dễ dàng thoát ra ngoài nhưng trộm đột nhập từ ngoài vào thì rất khó.
Khóa này cũng phải được mở kiểm tra thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, do mất bình tĩnh không tìm thấy chìa khóa hoặc khóa bị gỉ sét, khó mở.
Nếu là nhà trệt, nhà siêu nhỏ không ban công, không cửa sổ thì việc thiết kế, đầu tư 1 cầu thang di động thoát hiểm lên mái khi có “sự cố” là rất cần thiết.
Hỏa hoạn, cháy nổ luôn là điều không ai muốn. Nhưng không ai có thể biết trước được là có xảy ra hỏa hoạn ở nơi nào, nhà nào hay không! Vì vậy, chúng ta không được chủ quan và cần có ý thức tự trang bị các kỹ năng bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ mà đặc biệt là phải tạo lối thoát hiểm cho căn nhà của mình.
TRƯỜNG AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin