Mỗi chúng ta khi được sinh ra và lớn lên thì đại đa số có cuộc sống, hoàn cảnh và môi trường không giống nhau. Có người sống sung túc, cơm no áo ấm, được đến trường học hành đàng hoàng. Nói chung là thụ hưởng đầy đủ về điều kiện vật chất lẫn tinh thần.
(VLO) Mỗi chúng ta khi được sinh ra và lớn lên thì đại đa số có cuộc sống, hoàn cảnh và môi trường không giống nhau. Có người sống sung túc, cơm no áo ấm, được đến trường học hành đàng hoàng. Nói chung là thụ hưởng đầy đủ về điều kiện vật chất lẫn tinh thần.
Cũng có người số phận hẩm hiu, thiếu thốn và cơ cực trăm bề. Với họ, sống thường mang tư tưởng tự ti, ca thán cuộc đời. Và thậm chí, có những người không muốn sống, họ nghĩ chết sẽ giải thoát “bể khổ trần gian”.
Cuộc đời luôn sòng phẳng với chúng ta. Khi những ai có cuộc sống khó khăn về vật chất, mà ca thán hoặc oán trách cuộc đời thì có nghĩa chính ta làm cho cuộc sống của ta ngày thêm tồi tệ. Ta oán trách cuộc đời, có làm cho cuộc sống của ta trở nên sung túc?
Ta oán trách cuộc đời, tinh thần ta có thoải mái hơn không? Dù ta có oán trách cuộc đời, cuộc sống vẫn trôi đi và nỗi ám ảnh về cuộc sống hiện tại sẽ vây lấy ta. Và ta sống trong nỗi chua cay, thù hận cuộc sống. Ta đi so sánh vớ vẩn người kia, người nọ với ta. Ta lãng phí thời gian vô ích và cuối cùng vẫn không thoát khỏi “cái vòng lẩn quẩn”.
Trong cuộc sống này, ai không thích đầy đủ vật chất? Nhưng chúng ta phải biết cách “chấp nhận cuộc đời”. Ta chấp nhận theo cách của ta, chủ yếu phải biết tìm niềm vui trong cuộc sống để từ đó thêm nghị lực vươn lên, thoát nghịch cảnh.
Có rất nhiều niềm vui trong cuộc sống, do chính ta hoang phí nó hoặc ta bỏ quên. Cuộc sống bình yên không cần tìm đâu xa lắm, tồn tại ngay trước mắt ta. Bữa cơm bình dị, đầu óc tươi vui, giấc ngủ say nồng. Vậy là quá đủ!
Đừng nên oán trách cuộc đời, vì nếu ta oán trách cuộc đời thì cuộc đời sẽ cay đắng với ta. Đời người hữu hạn, “chấp nhận cuộc đời” là ta “chấp nhận” chính ta.
TRẦN THÀNH NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin