Cần quan tâm đến tật cận thị của trẻ em!

05:12, 29/12/2020

Hiện nay, tình trạng trẻ em trong độ tuổi đến trường bị mắc tật cận thị ngày càng gia tăng nhưng lại chưa biết cách phòng tránh cũng như phát hiện kịp thời.

(VLO) Hiện nay, tình trạng trẻ em trong độ tuổi đến trường bị mắc tật cận thị ngày càng gia tăng nhưng lại chưa biết cách phòng tránh cũng như phát hiện kịp thời.

Việc mắc tật cận thị của trẻ sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhìn trong quá trình học tập và sinh hoạt vì chỉ nhìn rõ những mục tiêu ở cự ly gần, không nhìn rõ những mục tiêu ở xa.

Do đó, nếu không đeo kính để khôi phục thị lực thì sẽ không nhìn rõ bảng, các chữ số ở cự ly xa dẫn đến việc theo dõi, ghi chép bài không kịp dẫn đến không hiểu bài, từ đó sinh ra học hành sa sút, chán học…

Có nhiều nguyên nhân gây ra cận thị bao gồm cả yếu tố di truyền và yếu tố môi trường, tuy nhiên hiện nay yếu tố môi trường dẫn đến tật cận thị chiếm tỷ lệ rất cao do việc học tập với ánh sáng thiếu đảm bảo, sai tư thế và trẻ thường xuyên nhìn vào các thiết bị điện tử như (iPad, điện thoại, máy tính) phát ra rất nhiều ánh sáng xanh có thể xuyên qua các lớp bảo vệ tự nhiên của mắt cũng gây khô mắt, mỏi mắt và giảm thị lực.

Khi mới bị mắc cận thị, trẻ em thường không biết. Nếu mắt nhìn chưa rõ thì tiến dần dần lên cho gần hoặc căng mắt ra nhìn đến khi không chịu nổi mới báo cho cha mẹ biết hoặc được các thầy cô phát hiện ra trong quá trình dạy học, khám sức khỏe ở trường,…

Lúc này thì mức độ cận thị của các em đã nặng nên việc điều trị, phục hồi sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe về mắt một cách lâu dài.

Chính vì vậy, để hạn chế tối đa tật cận thị cho trẻ em đòi hỏi sự quan tâm rất lớn của cha mẹ trong việc thực hiện chế độ dinh dưỡng, giám sát việc sử dụng các phương tiện giải trí một cách phù hợp và kịp thời tư vấn để phát hiện sớm con bị cận thị.

Do đó, trong khẩu phần dinh dưỡng cần đảm bảo thức ăn giàu vitamin E, B, A, omega 3 trong trứng, cá hồi, ớt chuông, cà rốt và các loại rau xanh,… cũng góp phần mang lại một đôi mắt khỏe mạnh. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần hạn chế việc sử dụng điện thoại, máy tính, tivi,… trong một thời gian dài, bố trí đèn học với ánh sáng phù hợp, sắp đặt vị trí học bài đảm bảo ánh sáng,…

Bên cạnh đó, cha mẹ phải thường xuyên quan sát các hành vi nhìn của trẻ như tiến sát lại xem một cái gì đó, nheo mắt khi đọc và khi đã có dấu hiệu bị cận thị thì cần nhanh chóng đi khám mắt và cắt kính để các em không bị tăng độ.

Ngoài ra, các thầy cô giáo cũng cần phát hiện các em có dấu hiệu bị cận thị trong quá trình giảng dạy để thông báo với phụ huynh sớm đưa các em thăm khám điều trị; nhà trường cần khám sức khỏe để phát hiện kịp thời các em bị cận thị và thực hiện không gian lớp học đảm bảo ánh sáng, tư thế ngồi,…

Đôi mắt là “cửa sổ tâm hồn”, giữ đôi mắt được khỏe mạnh là điều ai cũng mong muốn. Chính vì vậy, cha mẹ, thầy cô, nhà trường cần quan tâm nhiều đến các em trong học tập và sinh hoạt một cách hợp lý để sức khỏe đôi mắt luôn được đảm bảo.

VĂN THI HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh