"Lộ" thông tin cá nhân

12:11, 19/11/2020

Hiện nay, có một thực trạng là thông tin cá nhân của chúng ta như: họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà, địa chỉ cơ quan thậm chí là số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng lại bị người khác "nắm rõ" mà chẳng biết vì sao. 

Hiện nay, có một thực trạng là thông tin cá nhân của chúng ta như: họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà, địa chỉ cơ quan thậm chí là số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng lại bị người khác “nắm rõ” mà chẳng biết vì sao.

Đang làm việc ở cơ quan, chị Phan Diễm (ngụ phường Trường An) nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Đầu dây bên kia “alo” đúng họ tên chị để bắt đầu những câu nói ngọt ngào tư vấn bán bảo hiểm. Mặc dù không có nhu cầu mua bảo hiểm nhưng vì lịch sự nên chị đã nhẹ nhàng từ chối.

Sau cuộc gọi đó, chị vừa băn khoăn, vừa thắc mắc sao nhân viên bảo hiểm nọ lại biết họ tên và số điện thoại của mình? Còn bao nhiêu người, bao nhiêu tổ chức, công ty nữa biết về mình? Và, liệu thông tin cá nhân của mình có bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi không?

Lo lắng của chị Diễm là không thừa. Bởi thời gian qua, báo- đài liên tiếp đưa tin về những vụ lừa đảo mà nạn nhân sụp bẫy là do kẻ lừa đảo nắm được thông tin cá nhân của người có liên quan. Chẳng hạn như kẻ lừa đảo giả danh nhân viên chuyển bưu phẩm đến nhà giao hàng.

Chỉ cần người nhận hàng thiếu kiểm chứng với người thân, đinh ninh họ tên, địa chỉ đúng là cho rằng người thân mua hàng mà nhận là sẽ… sụp bẫy. Hay kẻ lừa đảo sử dụng thủ đoạn nhắn tin hoặc gọi điện đến thông báo trúng thưởng và yêu cầu nộp tiền lệ phí để nhận thưởng bằng cách chuyển tiền vào tài khoản hoặc mua thẻ cào, nhắn mã số card vào số điện thoại của chúng... Nếu chuyển tiền xong, cung cấp mã thẻ cào rồi thì quà chẳng có mà người “thông báo” trúng thưởng cũng mất tăm.

Qua đó cho thấy, chuyện lợi dụng thông tin cá nhân của người khác để phục vụ việc kinh doanh, trục lợi, thậm chí là lừa đảo đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Việc nhận tin nhắn rác, nhận thư điện tử rác, những cuộc gọi bất chợt quảng cáo, mời chào mua đất, mua nhà, thậm chí là mua mật ong,… đã không còn xa lạ với bất kỳ ai có sử dụng điện thoại hay hộp thư điện tử.

Đây chính là những trường hợp “lộ” thông tin mà người dùng thường không để ý, cũng không hiểu tại sao và cũng không biết làm cách nào để tránh. Trong khi đó, hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp 4.0, nền kinh tế số.

Việc phải tham gia sử dụng các dịch vụ như khám, chữa bệnh; mua vé tàu, xe, máy bay qua mạng; sử dụng nhiều tiện ích trên điện thoại thông minh, tham gia mạng xã hội,… đòi hỏi phải khai báo một số thông tin cá nhân. Chính vì vậy, những nguồn thông tin này nếu như không tuân thủ bảo mật sẽ dễ dàng “lọt” ra ngoài. Điều đó có nghĩa là ai cũng đang có nguy cơ đối mặt với những “rủi ro” một khi thông tin cá nhân bị “lộ”.

Hy vọng rằng tình trạng này sớm được các cơ quan chức năng tìm ra phương cách giải quyết. Tuy nhiên, trước khi có các chế tài hiệu quả để bảo vệ người dùng trước những vụ tấn công, lừa đảo do bị “lộ” thông tin cá nhân thì mọi người cần hạn chế tối đa việc cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân- nhất là trên những trang mạng xã hội- để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

NHƯ Ý

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh