Chuyện đưa, rước con

07:11, 27/11/2020

Mỗi lần đi ngang những ngôi trường giờ tan học, tôi thấy có một thực trạng là hầu như cha mẹ học sinh nào cũng muốn tiến sát đến cổng trường hoặc là đậu ở "hàng xe số 1" trong sân trường nhằm tạo thuận lợi nhất cho con em mình. 

Mỗi lần đi ngang những ngôi trường giờ tan học, tôi thấy có một thực trạng là hầu như cha mẹ học sinh nào cũng muốn tiến sát đến cổng trường hoặc là đậu ở “hàng xe số 1” trong sân trường nhằm tạo thuận lợi nhất cho con em mình.

Ai cũng muốn “lên trên, về trước” nên thành ra dù cho một số trường có kẻ vạch “phân hàng” đậu xe hay bố trí “bãi đỗ xe” chờ rước học sinh là “tạm ổn” nhưng hình ảnh lộn xộn, ngổn ngang giờ tan học hoặc giờ đưa học sinh đến lớp ở nhiều trường là “chuyện rất bình thường”.

Một bậc phụ huynh lý giải cho vấn đề này rằng “dù biết phải chen lấn, ùn tắc, mất nhiều thời gian nhưng vì sợ con không nhìn thấy mình hoặc không an toàn khi tiến đến vị trí của mình ở hơi… xa xa nên “tranh thủ” đậu xe ở trên cho yên tâm”. Cha mẹ nào thì cũng thương yêu và muốn điều tốt nhất cho con mình. Nhưng nhìn cảnh những phụ huynh khác ở phía sau phải dắt con “luồn lách” qua những phương tiện giao thông kềnh càng, không trật tự thì thấy thương cho những đứa trẻ quá. Những lúc ấy nhìn các em thật nhỏ bé và vô cùng nguy hiểm bởi những chiếc pô xe còn đang rất nóng và được đậu san sát nhau. Ấy là chưa kể tình trạng ô nhiễm không khí từ các loại phương tiện giao thông này đối với môi trường học đường.

Trước hiện trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng phải thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường học. Hay, nhà trường phải có sân đủ rộng, bãi đậu xe đủ lớn hoặc bố trí thêm bãi phụ,… Những phương án này nếu thực hiện được thì rất tốt. Nhưng theo tôi, vấn đề cốt lõi vẫn là ý thức của phụ huynh học sinh. Mọi nỗ lực của nhà trường, của các cơ quan chức năng đều sẽ không đạt được hiệu quả nếu như không có sự phối hợp của phụ huynh học sinh.

Do đó, mỗi bậc cha mẹ phải tự nâng cao ý thức khi đưa, rước con. Chúng ta nên đậu xe có hàng lối đảm bảo khoảng không cho các em di chuyển an toàn. Nếu diện tích sân bãi của trường “hạn chế” thì chúng ta cũng không nên “ngại ngùng” đậu xe ở… xa xa rồi đi bộ đến rước con. Như vậy, vừa tránh được cảnh ùn tắc, vừa hạn chế gây ô nhiễm môi trường học đường mà quan trọng nhất là làm gương cho con em chúng ta trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

NHƯ Ý

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh